Hiệp định Thương mại Kỹ thuật số: Kỷ nguyên mới cho hợp tác thương mại Việt Nam – Singapore
Việt Nam và Singapore vừa thống nhất thành lập Nhóm công tác kỹ thuật chung về đối tác kỹ thuật số, chuẩn bị những nền tảng ban đầu cho việc đàm phán Hiệp định Thương mại Kỹ thuật số Việt Nam – Singapore. Nếu được đàm phán và triển khai thành công, Hiệp định sẽ giúp tự do hóa hơn nữa môi trường thương mại kỹ thuật số giữa hai nước Việt Nam – Singapore nói riêng, khu vực ASEAN nói chung.
Mặc dù chưa phải là một phần chính thức của các cuộc đàm phán thương mại song phương song việc thành lập Nhóm công tác kỹ thuật chung về quan hệ đối tác kỹ thuật số với Việt Nam được xem là một thắng lợi chính trị của Singapore. Vốn là một quốc gia có quy mô tương đối nhỏ nên Singapore đã sử dụng thành công ngoại giao để hình thành các quy tắc mới xung quanh trò chơi thương mại kỹ thuật số. Nếu theo dõi sát sao chương trình nghị sự của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chúng ta dễ dàng thấy được vai trò tích cực của Singapore, cùng với Australia và Nhật Bản trong nỗ lực chung thúc đẩy sự đồng thuận về các quy định thương mại điện tử.
Định hướng chiến lược của Singapore là tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc thảo luận nhóm nhỏ giữa các thành viên WTO nhằm thúc đẩy sự đồng thuận về các vấn đề thương mại điện tử chính mà đảo quốc này quan tâm (dữ liệu mở của chính phủ, hợp đồng điện tử, bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến, giao dịch không giấy tờ…); nếu được thực hiện ở cấp độ WTO sẽ góp phần củng cố vị thế vững chắc của Singapore như một trung tâm thương mại quốc tế và khu vực.
Ngoài ra một chiến lược khác của đảo quốc sư tử là thúc đẩy các hiệp định kinh tế kỹ thuật số song phương, một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được thiết kế đặc biệt để đối phó với những thách thức mới nổi của thương mại kỹ thuật số. Trong đó việc đưa Việt Nam trở thành đối tác tiềm năng tiếp theo thông qua Hiệp định Thương mại Kỹ thuật số thực sự là một bước đi quan trọng của Singapore. Có thể thấy hầu hết các đối tác truyền thống của Singapore đều là các nước phát triển như Australia, New Zealand, Chile, Hàn Quốc, Vương quốc Anh….; chính vì vậy sự tham gia của Việt Nam với tư cách một quốc gia đang phát triển như ngầm báo hiệu với thế giới rằng các điều kiện thương mại kỹ thuật số của Singapore rất cởi mở và linh hoạt cho tất cả mọi người, mọi quốc gia. Điều quan trọng là một mạng lưới liên minh kỹ thuật số lớn hơn cũng đồng nghĩa với quy mô và phạm vi kinh tế lớn hơn do khả năng tương tác trên các nền tảng toàn cầu.
Như vậy với hai chiến lược trên, Singapore đã định vị cho mình vị thế một nhà sản xuất quy tắc trong trò chơi thương mại kỹ thuật số và là đầu mối cho quan hệ đối tác kỹ thuật số với ASEAN và khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương rộng lớn. Điều này sẽ mang lại cho quốc đảo những lợi ích kinh tế quan trọng và lâu dài.
Về phía Việt Nam, Hiệp định Thương mại Kỹ thuật số với Singapore thể hiện thắng lợi lớn trên cả mặt trận chính trị lẫn kinh tế. Cụ thể trên phương diện chính trị, Hiệp định mở ra cơ hội cho Việt Nam tham gia cùng các đối tác khác trong việc định hình các quy tắc thương mại kỹ thuật số ở cả WTO lẫn cấp khu vực. Chưa kể nếu Việt Nam trở thành quốc gia ASEAN đầu tiên đàm phán Hiệp định Thương mại kỹ thuật số thế hệ mới với Singapore, chúng ta sẽ có được lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua số hóa so với các đối tác khác trong khu vực ASEAN như: Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines…Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh Mỹ thông qua phương thức nuôi dưỡng quan hệ đối tác thương mại đang cố gắng định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu và tái tham gia vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nếu được thực thi đúng cách, Hiệp định Thương mại Kỹ thuật số Singapore – Việt Nam sẽ trở thành động lực thúc đẩy cải cách các quy định thương mại ở Việt Nam, nâng cao tiềm năng của đất nước như một trung tâm thương mại kỹ thuật số khu vực; đồng thời nâng cao vị thế của nước ta trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Còn trên phương diện kinh tế, nếu được tận dụng đầy đủ, thương mại kỹ thuật số có thể đóng góp khoảng 42 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam vào năm 2030. Nếu được đàm phán và triển khai thành công, Hiệp định Thương mại Kỹ thuật số Singapore – Việt Nam có thể giúp tự do hóa hơn nữa môi trường thương mại kỹ thuật số trong ASEAN. Đặc biệt định dạng mô-đun của Hiệp định cho phép các nước ASEAN khác dễ dàng tham gia và lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên hợp tác. Kịch bản tích cực nhất là thiết lập một thỏa thuận toàn ASEAN về các mô-đun chính như định danh kỹ thuật số và thanh toán điện tử, có khả năng biến khu vực này thành khu vực thương mại kỹ thuật số tự do lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên trên đây chỉ là viễn cảnh tương lai, còn ở thời điểm hiện tại vẫn còn quá sớm để đưa ra một thỏa thuận kinh tế kỹ thuật số giữa Singapore và Việt Nam. Và sẽ là một chặng đường dài hơn nữa trước khi Việt Nam có thể phù hợp với các tiêu chuẩn thương mại kỹ thuật số của Singapore để cả hai quốc gia có thể gặt hái được đầy đủ lợi ích của bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào. Nhưng khi đồng ý bắt đầu các cuộc thảo luận, hai quốc gia đánh dấu sự thừa nhận những lợi ích của cách tiếp cận tự do hóa trong việc đối phó với những thách thức đang nổi lên của thương mại kỹ thuật số. Ít nhất, bằng cách thực hiện những bước đầu tiên trên con đường này, Việt Nam và Singapore đã nhận ra rằng không một quốc gia nào có thể hưởng đầy đủ các lợi ích thương mại kỹ thuật số bằng cách áp đặt các quy định bảo hộ, tách mình khỏi các tiêu chuẩn số hóa toàn cầu. Chỉ khi phát triển trên nền tảng công bằng, hợp tác đôi bên cùng có lợi thì thương mại kỹ thuật số mới phát huy hết tiềm năng vốn có của nó.
Hoàng Anh