Doanh nghiệp ngành cơ khí – Tìm cơ hội trong gian khó…

Bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn đẩy không ít doanh nghiệp cơ khí đến bên bờ vực thẳm. Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cho rằng “trong nguy có cơ”, đây cũng chính là động lực để doanh nghiệp trong ngành đẩy mạnh tái cơ cấu, thay đổi quy trình cốt lõi, chuyển đổi chuỗi cung ứng theo hướng thông minh và kết nối hiệu quả hơn.

Linh hoạt thích ứng

Trao đổi với truyền thông, ông Đào Phan Long-Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam thừa nhận cái khó trăm bề của các doanh nghiệp ngành cơ khí: đơn hàng ít, giá cước vận tải tăng, sản xuất cầm chừng vì thiếu nguyên liệu… Ở các địa phương tâm dịch phía Bắc như Quảng Ninh, Bắc Ninh…, tác động của dịch bệnh khiến đơn hàng của doanh nghiệp giảm nhiều so với năm trước.

Tuy nhiên “trong cái khó ló cái khôn”, bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch bệnh, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn lại chính là động lực để các doanh nghiệp trong ngành đẩy mạnh tái cơ cấu, chuyển đổi chuỗi cung ứng theo hướng thông minh và kết nối hiệu quả hơn. Bằng các giải pháp linh hoạt ứng phó nhanh với dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp cơ khí đã thay đổi kế hoạch cũng như chiến lược kinh doanh để có thể tồn tại và phát triển. Nếu như trước đây việc chuyển giao công nghệ thường do các doanh nghiệp nước ngoài đảm nhận thì nay nhiều doanh nghiệp cơ khí trong nước đã vươn ta tận dụng hết các điều kiện năng lực sẵn có, đẩy mạnh tái cấu trúc, thay đổi quy trình cốt lõi, sử dụng hệ thống máy móc, trang thiết bị nội địa để chủ động hơn trong sản xuất.

Ngoài ra trên cơ sở nắm bắt được nhu cầu của thị trường công nghiệp hỗ trợ rất lớn, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất, chú trọng phát triển các dòng sản phẩm chất lượng, phục vụ doanh nghiệp FDI, hướng vào xuất khẩu sản phẩm cơ khí. Chính lối đi riêng đầy sáng tạo đã giúp doanh nghiệp cơ khí trong nước tìm kiếm được nguồn hàng, kết nối lại với các đối tác nước ngoài và từng bước phục hồi sản xuất

Chủ động vượt khó, khai thác cơ hội từ các FTA

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện ngành cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở ba phân ngành chủ yếu hướng tới xuất khẩu hoặc phục vụ doanh nghiệp FDI bao gồm: Xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ôtô và phụ tùng ôtô. Ngoài ra các doanh nghiệp sản xuất linh kiện cơ khí trong nước cũng có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như: khuôn mẫu các loại, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật…

Để hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, trong năm 2021 này và những năm tiếp theo, Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của 2 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam; đồng thời đẩy mạnh phát triển công nghiệp hạ nguồn, trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển

Bên cạnh sự trợ lực của Chính phủ, các chuyên gia cho rằng bản thân ngành cơ khí cũng cần nhìn nhận lại nhu cầu thị trường, chỉ rõ những khoảng trống để phát triển, những lĩnh vực ngành có thế mạnh để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặt trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RECP) cũng sẽ mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước khi xuất khẩu sang các thị trường cũng như gia tăng hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. “Cơ hội rộng mở là vậy song bản thân các doanh nghiệp cũng cần có kế hoạch chi tiết liên kết trong sản xuất và cung ứng trang thiết bị, máy móc do chính doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, hình thành các cụm liên kết doanh nghiệp để đầu tư mở rộng sản xuất, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, biến cơ hội thành hiệu quả kinh tế thực sự” – ông Đào Phan Long khuyến nghị

Minh Anh