Phòng vệ thương mại – Công cụ bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp trong nước

Chỉ sau thời gian ngắn áp dụng, các biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam đã phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trên chính thị trường nội địa trước hoạt động cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu.

Tín hiệu tích cực từ ngành mía đường nội địa

 Xoay quanh vụ việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp) đối với đường mía Thái Lan, ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết căn cứ quy định của Luật Quản lý ngoại thương, ngày 21/9/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT về việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường mía Thái Lan trên cơ sở Hồ sơ yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước. Việc điều tra này được tiến hành khẩn trương theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương và Tổ chức thương mại thế giới.

Kết quả điều tra cho thấy các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, bao gồm đường tinh luyện và đường thô, đã được trợ cấp, bán phá giá ở mức 47,64%. Đồng thời, ngành sản xuất đường mía trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề, thể hiện ở các yếu tố như hàng hóa nhập khẩu bị điều tra tăng mạnh, có tác động kìm giá, suy giảm sản lượng, công suất, lượng bán hàng, thị phần, doanh thu, lợi nhuận… Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.

Sau khi cân nhắc tác động kinh tế-xã hội theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, tình hình cung-cầu hiện nay, ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT ngày 15/6/2021 về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Theo đó Bộ Công Thương quyết định áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ Thái Lan ở mức 47,64%. Quyết định áp thuế này có thời hạn 5 năm và có thể được rà soát theo đúng quy định pháp luật.

Cục trưởng Lê Triệu Dũng cho biết trước đó vào thời điểm áp thuế sơ bộ (2/2021), việc áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan cũng đã phát huy hiệu quả thiết thực đối với ngành mía đường. Cụ thể, lượng đường nhập khẩu Thái Lan từ tháng 3/2021 cho tới thời điểm này giảm tới 75%, từ mức bình quân là 110.000 tấn năm 2020 nay chỉ còn khoảng 28.000 tấn. Việc này đã làm giảm tác động cạnh tranh không bình đẳng của đường Thái Lan đối với ngành sản xuất trong nước và từ đó giúp giá đường trong nước nhích lên, đồng thời giá thu mua mía đối với người nông dân được tăng từ 100 ngàn đến 200 ngàn đồng/tấn. Qua đó, giúp người nông dân lần đầu tiên qua nhiều năm tiêu thụ toàn bộ hơn 6 triệu tấn mía. Theo phản ánh của Hiệp hội Mía đường, đơn vị sản xuất, tại nhiều địa phương, người nông dân đã có kế hoạch mở rộng trồng mía trong niên vụ năm 2021- 2022.

Từ những kết quả ban đầu đạt được, Bộ Công Thương đang kết hợp chặt chẽ với Hiệp hội Mía đường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát tình hình nhập khẩu, tác động của biện pháp này để có biện pháp phù hợp, đảm bảo chống bán phá giá, chống trợ cấp, cũng như đảm bảo cung cầu, ổn định thị trường.

Kim hãm đà tăng giá phân bón

Trước tình hình giá cả nhiều loại phân bón trong nước liên tục tăng nóng, ngày 3/3/2020 Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 715/QĐ-BCT về việc gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu (các mã HS: 3105.10.20; 3105.10.90; 3105.20.00; 3105.30.00; 3105.40.00; 3105.51.00; 3105.59.00; 3105.90.00).

Trước đó vào năm 2017, Việt Nam cũng đã áp thuế tự vệ đối với phân bón DAP và MAP nhập khẩu từ năm 2017, sau khi tiến hành các bước điều tra theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại thế giới. Tuy nhiên kể từ cuối năm 2020, giá phân bón mới tăng vọt chóng mặt ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của doanh nghiệp phân bón trong nước và bà con nông dân. Cục trưởng Lê Triệu Dũng lý giải sở dĩ giá phân bón tăng chủ yếu do yếu tố bên ngoài, nguyên liệu sản xuất phân bón tăng, chi phí vận tải tăng. Cụ thể giá cước vận chuyển container hiện nay đã tăng 5 lần so với năm trước; trong khi phân bón DAP, MAP và Ure hầu hết được vận chuyển bằng container. Thêm vào đó nguồn cung phân bón trong khu vực Đông Nam Á sụt giảm do nhiều nhà máy bước vào giai đoạn bảo dưỡng, sửa chữa. Giá phân bón trong nước có sự liên thông với giá phân bón thể giới, các chi phí về nguyên liệu sản xuất, nên khi giá nguyên nhiêu liệu sản xuất phân bón thế giới tăng, giá phân bón trong nước cũng tăng theo.

Ngoài ra trong quá trình phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đánh giá cung cầu, Bộ Công Thương nhận thấy phân bón thời gian qua hoàn toàn đủ năng lực cung ứng nhu cầu trong nước. Phân bón DAP, MAP nhập khẩu tăng 50%, sản xuất trong nước tăng 30%; nhu cầu phân bón không có biến động lớn so với năm trước. Đặc biệt với DAP, MAP, từ khi có sản xuất trong nước làm đối trọng với hàng nhập khẩu thì mức tăng của DAP MAP sản xuất trong nước thấp hơn so với mức tăng của hàng nhập khẩu (9,5-10,8 triệu/tấn so với 14-15 triệu/tấn). Đây cũng là đối trọng kìm hãm mức tăng giá của mặt hàng DAP, MAP nói riêng và phân bón nói chung.

Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan để đánh giá, rà soát biện pháp tự vệ một cách khách quan, tổng thể cũng như kiến nghị các giải pháp theo đúng quy định của pháp luật.

Minh Châu