Tp.HCM “tiếp sức” cho tiểu thương chợ truyền thống bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Đợt dịch lần thứ 4 tái bùng phát cộng với việc triển khai thực hiện giãn cách xã hội khiến sức mua của người dân tại các chợ truyền thống trên địa bàn Tp.HCM giảm tới 80% so với ngày thường, đẩy nhiều tiểu thương vào cảnh khó khăn, thậm chí có người phải ngừng kinh doanh

Một tiểu thương bán vải tại chợ Tân Định (quận 1) cho biết từ khi đợt dịch mới bùng phát và diễn biến phức tạp, doanh thu tại sạp của chị sụt giảm tới 80%, phần còn lại chỉ đủ trang trải thuế, phí. Tình trạng vắng khách đã kéo dài hơn tháng nay, có hôm cả ngày không có một khách hàng nào ghé sạp của chị mua đồ.
Đồng cảnh ngộ, nhiều tiểu thương khác tại chợ Tân Định cho biết cả tháng nay doanh thu của họ giảm mạnh từ 50-80% so với trước đó. Đối với các sạp buôn bán các mặt hàng thiết yếu thì tình hình khả quan hơn, doanh số có giảm nhưng ở mức nhẹ, chỉ giảm từ 20-30% so với trước đó.
Cũng như chợ Tân Định, tình hình kinh doanh tại các chợ Xóm Mới (Gò Vấp), Phạm Văn Hai (Tân Bình), Hòa Bình (quận 5) khá ảm đạm, nhiều tiểu thương đã phải đóng cửa sạp do quá ế ẩm. Một tiểu thương bán vải tại chợ Xóm Mới cho biết trong 4 đợt dịch thì đợt này là thiệt hại hiều nhất. Tuần qua, trong 6 ngày chị mở cửa sạp chỉ có 3 ngày là có 1-2 vị khách ghé mua, còn lại là ngồi chơi cả ngày.
Lãnh đạo chợ Xóm Mới thừa nhận thay vì cảnh tấp nập như trước, sức mua tại chợ này giảm mạnh 20-80% (tùy mặt hàng bán tại mỗi sạp). Nếu như đợt dịch trước các tiểu thương được cơ quan thuế hỗ trợ giảm thuế thì đợt dịch thứ 4 này tác động mạnh buộc nhiều tiểu thương phải đóng cửa kinh doanh. Chợ Xóm Mới hiện có 236 hộ kinh doanh, trong đó có khoảng 141 sạp hoạt động thường xuyên. Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, đã có khoảng 19 hộ bán quần áo, vải tạm ngừng kinh doanh và sẽ được cơ quan thuế hỗ trợ không thu thuế cho đến khi kinh doanh trở lại.
Trước khó khăn của các tiểu thương, Sở Công Thương Tp.HCM đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch – đầu tư về việc hỗ trợ các thương nhân kinh doanh tại các chợ truyền thống bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2021. Trong đó Sở Công Thương đề nghị Sở Kế hoạch&Đầu tư kiến nghị UBND Thành phố trình HĐND Thành phố chấp thuận chủ trương hỗ trợ trực tiếp các thương nhân kinh doanh tại chợ truyền thống. Cụ thể đề xuất hỗ trợ tiểu thương bằng hình thức ngân sách nhà nước chi hỗ trợ trực tiếp đến các thương nhân, thời gian hỗ trợ từ tháng 7 đến hết tháng 12/2021.
Đối tượng nhận được gói hỗ trợ này là các cá nhân, tổ chức kinh doanh tại chợ có điểm kinh doanh, quầy hàng… bố trí trong phạm vi chợ, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với đơn vị quản lý chợ và nghĩa vụ thuế với Nhà nước, có mã số thuế, danh sách thương nhân kinh doanh tại chợ. Phạm vi áp dụng của gói hỗ trợ này là tất cả tiểu thương chợ truyền thống trên địa bàn thành phố, bao gồm chợ đầu tư bằng ngân sách lẫn nguồn vốn ngoài ngân sách.
Mức hỗ trợ sẽ chia theo từng hạng chợ, tương ứng 50% mức thu phí chợ tối đa theo quyết định 24 của UBND Tp.HCM. Cụ thể, với chợ hạng 1 (có 14 chợ) mức hỗ trợ 100.000 đồng/m²/tháng, chợ hạng 2 (52 chợ) có mức hỗ trợ 70.000 đồng/m²/tháng và chợ hạng 3 (168 chợ) có mức hỗ trợ 50.000 đồng/m²/tháng. Dự toán tổng mức kinh phí hỗ trợ đối với các thương nhân kinh doanh tại các chợ truyền thống trong 6 tháng sẽ hơn 76 tỷ đồng với gần 60.000 điểm kinh doanh.
Theo ghi nhận của các tiểu thương, mặc dù mức hỗ trợ này không nhiều song cũng phần nào thể hiện sự quan tâm từ phía các cơ quan chức năng. Đây cũng chính là niềm khích lệ to lớn giúp các tiểu thương vượt qua giai đoạn khó khăn, nhất là đối với các ngành hàng ít doanh thu trong mùa dịch như quần áo, vải, thời trang, giày dép… Tuy nhiên một số tiểu thương cho rằng thay vì chi ngân sách hỗ trợ trực tiếp, Thành phố nên giảm đồng loạt thuế và phí 20-50% trong năm 2021 để hỗ trợ họ vượt qua khó khăn trong đại dịch.
Quang Tùng