Nỗi lo hàng Việt mấy thương hiệu trên thị trường quốc tế

Xuất khẩu nông sản năm nay dự báo có thể đạt kim ngạch 40 tỷ USD. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu Việt ở thị trường nước ngoài gần như giậm chân tại chỗ thậm chí nhiều nông sản bị “mất tên”.

Gạo là một trong những mặt hàng đang trong lộ trình xây dựng thương hiệu

Bộ NN&PTNT cho biết 9 tháng năm 2018, Xuất khẩu (XK) toàn ngành nông nghiệp đạt 29,54 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, bằng 73% kế hoạch năm và vượt 1,3% mục tiêu quý III. Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 15,16 tỷ USD, tăng 4,4%; thủy sản đạt 6,757 tỷ USD, tăng 15,8%; các sản phẩm chăn nuôi đạt 405 triệu USD, tăng 5,2%. Trong cả năm 2018, toàn ngành đặt mục tiêu XK nông, thủy sản 40 tỷ USD.

Nỗi buồn hàng Việt

Nghịch lý là Việt Nam đang đứng top đầu thế giới về xuất khẩu (XK) cà phê, hồ tiêu, điều, cao su, gạo…nhưng thực tế cho thấy ít người tiêu dùng thế giới biết tới. Điển hình là mặt hàng cà phê. Việt Nam là nước đứng thứ hai thế giới về XK cà phê, thậm chí là số một về dòng cà phê vối Robusta. Nhưng nói đến cà phê là người tiêu dùng thế giới nghĩ ngay đến Brazil, còn Việt Nam chưa có được tác động như vậy.

Hay mặt hàng gạo. Hiện Trung Quốc là thị trường XK chủ lực của gạo Việt Nam nhưng người tiêu dùng Trung Quốc không hề biết tới thương hiệu gạo Việt Nam, mà chỉ biết gạo Thái, gạo Ấn Độ. Từ thực tế mà Doanh nghiệp (DN) đang gặp phải, ông Đoàn Anh Tuân – Giám đốc công ty TNHH Thế Hệ Mới (trà Cozy), chia sẻ DN này hiện đang XK chè tới hơn 60 nước trên thế giới, tuy nhiên, chủ yếu vẫn xuất nguyên liệu thô hoặc dưới thương hiệu nước ngoài, còn dưới thương hiệu trà Cozy chỉ chiếm 5%.

Thậm chí, gần đây, nhiều thương hiệu Việt đang bị đăng ký sở hữu trí tuệ của các DN nước ngoài. Chẳng hạn như câu chuyện cà phê Buôn Ma Thuột nhưng nhãn hiệu lại bị đăng ký bởi DN Quảng Châu (Trung Quốc), nước mắm Phú Quốc nhưng nhà sản xuất lại từ Hong Kong, hay phở Việt Nam hiện bán rất chạy ở Mỹ nhưng là “Made in Thailand”…

“Đặt tên” cho nông sản Việt bằng cách nào?

Có thể thấy, nếu xét về lượng và giá trị XK, nông sản của Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia sản xuất nông nghiệp nào, song về thương hiệu lại ít người tiêu dùng biết đến. Một trong những nguyên nhân chính là do 90% nông sản Việt xuất dưới dạng thô cho DN nước ngoài, từ đó được chế biến và đóng gói dưới nhãn hiệu của họ. Đồng thời, DN Việt còn lúng túng trong việc bảo hộ thương hiệu. Nhiều doanh nghiệp lo ngại, ở thị trường nước ngoài, việc thúc đẩy mở rộng đăng ký thương hiệu ra thị trường nước ngoài còn hạn chế. Nếu chúng ta không làm điều này chắc chắn sẽ mất các dấu hiệu về nguồn gốc sản phẩm dễ dàng.

Về vấn đề này, Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan – Nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: “Các DN phải cố gắng chế biến sâu hơn các sản phẩm, nếu xuất thô hoặc chỉ sơ chế thì không thể có giá trị gia tăng tốt khi tham gia vào chuỗi. Bên cạnh đó, các DN cũng phải cố gắng tận dụng các chỉ dẫn địa lý, yếu tố có thể đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và nâng cao thương hiệu cho hàng Việt. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 80 chỉ dẫn địa lý đã được đưa ra nhưng các DN chưa tận dụng được tốt để xây dựng thành những thương hiệu riêng, sản phẩm đặc thù của Việt Nam”.

Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho rằng: “Xây dựng thương hiệu nông sản nên tập trung xây dựng thương hiệu quốc gia, sau đó là thương hiệu vùng”.

Bài học kinh nghiệm cho thấy Sri Lanka là một đất nước nổi tiếng về chè nhưng hầu như không tìm thấy một thương hiệu DN nào đó về chè của Sri Lanka. Hoặc như Brazil, đất nước số một thế giới về cà phê nhưng gần như không có thương hiệu nào của một DN cà phê. Đồng thời, chỉ cần nói đến Bordeaux (Pháp), cả thế giới nghĩ đến rượu vang hay nói đến pizza thì tất cả chúng ta sẽ đều nghĩ đến nước Ý. Đây chính là một dẫn chứng thành công trong việc xây dựng thương hiệu vùng. Trong xây dựng thương hiệu cũng nên có sự phân biệt, nông sản khác với các sản phẩm công nghiệp.

Kim Phương