Covid-19 tái bùng phát ở châu Á và nguy cơ đối với chuỗi cung ứng toàn cầu

Bất chấp sự phục hồi của các nền kinh tế phương Tây, đợt bùng phát dịch mới tại một trong những cảng đông đúc nhất thế giới ở miền Nam Trung Quốc đã ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt dịch bệnh lây lan nhanh tại các điểm chính của chuỗi cung ứng bán dẫn (Đài Loan, Malaysia) khiến tình trạng thiếu chip trên thế giới càng trở nên trầm trọng.

Cụ thể ổ dịch mới lây lan tại cảng container Diêm Điềm (Tp.Thâm Quyến) đã khiến mạng lưới giao thông nơi đây tắc nghẽn, gia tăng thêm khó khăn cho ngành vận tải biển quốc tế vốn đã phải vật lộn với tình trạng thiếu container và tắc nghẽn kéo dài sau vụ tàu container Ever Given mắc cạn tại kênh đào Suez hồi đầu năm. Theo Chỉ số Freightos Baltic, giá vận chuyển một container 40 feet đến Bờ Tây của Mỹ đã tăng lên 6.341 USD, tăng 63% so với từ đầu năm và tăng hơn ba lần so với một năm trước đó.

Trong quý I/2021, khối lượng container tại Diêm Điềm tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân mỗi năm cảng này xử lý hơn 13 triệu container, trong khi đó ở thời điểm hiện tại lượng hàng hóa tại cảng cao hơn 30% so với mức bình thường nên sự chậm trễ có thể kéo dài trong vài tuần.

Ông Lars Mikael Jensen – người đứng đầu A.P. Moller-Maersk A/S, gã khổng lồ vận tải biển của Đan Mạch cho biết tình trạng tồn đọng hàng ở Thâm Quyến sẽ tác động đến các chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến hàng hóa của Walmart và Home Depot. Trước tình hình trên, A.P. Moller-Maersk A/S đã buộc phải chuyển hướng 40 tàu container từ Diêm Điềm đến các cảng khác, bao gồm cả Hong Kong.

Trong khi đó Đài Loan – cứ điểm sản xuất chip của thế giới (chiếm 1/5 tổng lượng chip toàn cầu) cũng đang oằn mình trong đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất từ trước đến nay. Hơn 200 nhân viên của King Yuan Electronic – công ty sản xuất và thử nghiệm chip lớn nhất Đài Loan đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid – 19; 2.000 công nhân khác đang được cách ly.

Còn TSMC – nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới (chiếm 92% sản lượng chip tinh vi toàn cầu) dù chưa bị ảnh hưởng song đợt bùng phát lại đang xảy ra ngay cạnh trụ sở chính của họ ở Tân Trúc, Đài Loan nên nguy cơ là rất lớn. Tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu vốn đã căng thẳng, chính vì vậy đợt bùng phát dịch như “thêm dầu vào lửa”, khiến tình hình càng trở nên tồi tệ hơn.

Cũng như Đài Loan, hoạt động sản xuất tại chip tại Malaysia cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một trong hai nhà máy ở Malaysia của Công ty sản xuất chất bán dẫn Infineon Technologies AG (Đức) đã phải đóng cửa khiến các đơn hàng bị chậm trễ. Phát ngôn viên của Infineon Technologies AG – ông Gregor Rodehueser cho biết các nhà máy khác của công ty trên toàn thế giới dẫu đang hoạt động hết công suất vẫn không thể cung ứng đủ lượng đơn hàng bị chậm trễ. Tương tự Taiyo Yuden – nhà máy sản xuất thiết bị điện tử và linh kiện bán dẫn của Nhật Bản tại Malaysia đã phải đóng cửa thêm 10 ngày sau khi phát hiện thêm một số ca dương tính. Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Malaysia cho biết việc phong tỏa sẽ làm giảm từ 15% – 40% sản lượng chip tại nước này.

Ngoài tác động đến các công ty trong chuỗi cung ứng, dịch bệnh tái bùng phát có thể gây trở ngại cho lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc, từ đó làm gia tăng áp lực lạm phát trên toàn cầu. Shen Jianguang – Nhà kinh tế trưởng tại công ty bán lẻ trực tuyến JD cho biết Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn áp lực lạm phát toàn cầu, khi các nhà sản xuất đã hấp thụ phần lớn sự gia tăng của chi phí đầu vào. Tuy nhiên sự tắc nghẽn giao thông ở cảng Diêm Điềm có nguy cơ đẩy giá tiêu dùng trên khắp thế giới tăng cao hơn

Tp.Thâm Quyến trực thuộc Quảng Đông – tỉnh đông dân nhất Trung Quốc, đóng góp khoảng 1/10 sản lượng kinh tế cho nước này. Dịch Covid-19 bùng phát tại Quảng Đông đã khiến một số công ty phải tăng giá, thậm chí tạm ngừng hoạt động để tránh ảnh hưởng đến biên lợi nhuận.

Hôm mùng 10/6, ông Cao Phong – phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố mặc dù Covid-19 bùng phát ở Quảng Đông song vẫn chưa tác động rõ rệt đến ngoại thương. Trong số khoảng 2.000 nhà xuất khẩu của tỉnh này, hơn một nửa cho biết các đơn đặt hàng mới vẫn tăng cao hơn so với một năm trước đó.

Các nhà phân tích chất bán dẫn cũng lạc quan cho rằng tác động của đợt bùng phát dịch ở Đài Loan đối với hoạt động sản xuất chip là không đáng quan ngại. Ông Patrick Chen – Trưởng bộ phận nghiên cứu Đài Loan của Công ty môi giới CLSA cho rằng vấn đề cấp thiết nhất lúc này là phải ngăn chặn dịch bệnh tại các công ty lây lan ra ngoài. Nếu không tình trạng gián đoạn sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên trầm trọng hơn rất nhiều.

Việt Thành