Hạ viện Mỹ giới thiệu các dự luật buộc Big Tech phải cải tổ kinh doanh
Những gã khổng lồ công nghệ bao gồm Amazon, Apple, Facebook và Google có thể buộc phải thực hiện những thay đổi sâu rộng đối với hoạt động kinh doanh của họ theo một loạt dự luật mới được các nhà lập pháp Hạ viện đưa ra hôm thứ Sáu để ngăn chặn sự thống trị kinh tế của các công ty.
Đạo luật này đánh dấu nỗ lực quan trọng nhất của Quốc hội cho đến nay để kiềm chế Thung lũng Silicon, và trong một số trường hợp nhắm trực tiếp vào các mô hình kinh doanh cơ bản của những gã khổng lồ công nghệ. Nếu thành công, luật này có thể buộc Google ngừng quảng cáo cho YouTube trong kết quả tìm kiếm của mình hoặc cấm Amazon bán các sản phẩm trên thị trường cạnh tranh trực tiếp với danh sách người bán của bên thứ ba. Apple có thể được yêu cầu nới lỏng các hạn chế đối với các nhà phát triển ứng dụng iOS và Facebook có thể bị cấm mua lại các công ty non trẻ với mục đích kìm hãm các đối thủ trong tương lai.
Dự luật quyết liệt nhất trong số năm dự luật, trong đó đề cập đến những lo ngại về việc những gã khổng lồ công nghệ sử dụng quyền kiểm soát của họ đối với nhiều ngành nghề kinh doanh để tạo lợi thế cho sản phẩm của riêng họ hoặc để trấn áp đối thủ, có thể khiến các công ty tan rã nếu họ không tuân thủ. Ví dụ: một công cụ tìm kiếm không thể sở hữu một dịch vụ video mà công cụ đó giành ưu ái trong kết quả tìm kiếm. Trong những trường hợp như vậy, dự luật yêu cầu các nền tảng thống trị phải thoái vốn các ngành nghề kinh doanh mà quyền lực của nền tảng cho phép nó tạo lợi thế cho các dịch vụ của chính mình hoặc gây bất lợi cho các đối thủ”.
Các dự luật không nêu tên các công ty cụ thể. Tuy nhiên, hầu như mọi đề xuất lập pháp này là hành động phản ứng trước những phát hiện của cuộc điều tra kéo dài 16 tháng của hội đồng chống độc quyền của Ủy ban Tư pháp Hạ viện về các công ty công nghệ. Cuộc điều tra đó đã kết luận rằng Amazon, Apple, Facebook và Google đang có quyền lực độc quyền và đã lạm dụng vị trí của họ theo nhiều cách khác nhau và ảnh hưởng đến cạnh tranh công bằng.
Những người ủng hộ ngành công nghệ nói rằng các dự luật được đề xuất sẽ dẫn đến những thay đổi đáng kể cho người tiêu dùng. Mặc dù các dự luật cấm một số hành vi nhất định, nhưng chúng giao trách nhiệm thực thi (và các nguồn lực lớn hơn) cho các quan chức chống độc quyền tại Bộ Tư pháp và Ủy ban Thương mại Liên bang.
Bảo Hùng