WB: Kinh tế Việt Nam phát triển tương đối tốt trước đợt bùng phát dịch thứ 4
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6/2021, trong đó đánh giá cao việc nền kinh tế Việt Nam đã phát triển tương đối tốt trước đợt bùng phát dịch Covid – 19 lần thứ 4.
Báo cáo của WB ghi nhận trong tháng 5/2021, hoạt động sản xuất công nghiệp cho thấy khả năng chống chịu cao với dịch bệnh, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên doanh số bán lẻ tháng 5 lại giảm 3,1% so với tháng trước do Chính phủ áp đặt các biện pháp hạn chế mới nhằm kiểm soát sự bùng phát của dịch Covid-19 (giãn cách xã hội, đóng cửa các cửa hàng…). Những hạn chế này có tác động không đồng đều giữa các tiểu ngành bán lẻ vì doanh số ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, giảm tới 8,9% so với tháng 4/2021. Cùng với hoạt động sản xuất, điều kiện kinh doanh đã được cải thiện hơn so với tháng trước, thể hiện qua chỉ số PMI tháng 5 đạt mức 53,1.
Tuy nhiên báo cáo cho rằng những con số trung bình này có thể không cho thấy sự khác biệt giữa các địa phương vì hoạt động bị gián đoạn tại các nhà máy ở Bắc Giang và Bắc Ninh chắc chắn đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của một số sản phẩm điện tử, dẫn đến sự sụt giảm sản lượng trong những tuần tới.
Là tâm điểm của dịch bệnh, nền kinh tế Bắc Giang phải hứng chịu những tác động không hề nhỏ. Thống kê cho thấy trong tháng 5/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp của địa phương này đã giảm 40,9% so với tháng 4 và giảm 33,3% so với cùng kỳ năm ngoái; tương tự chỉ số sản xuất hàng điện tử cũng giảm 53,6% so với tháng trước và giảm 46,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, báo cáo của WB nhận định vị thế kinh tế đối ngoại của Việt Nam suy giảm nhẹ trong tháng 5 do kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và cam kết vốn FDI đều giảm so với tháng trước. Cụ thể trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 6,7% so với tháng trước và đây cũng là mức sụt giảm xuất khẩu lớn nhất kể từ tháng 6/2020. Tuy nhiên tính chung 5 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa vẫn đạt mức cao nhất mà Việt Nam từng ghi nhận (xuất khẩu tăng 29,1%, nhập khẩu tăng 35,4% so với cùng kỳ năm ngoái). Những con số ấn tượng này cũng phần nào phản ánh sự tăng trưởng vững chắc trong xuất khẩu máy tính, điện tử và máy móc thiết bị. Ngoài ra xuất khẩu điện thoại 5 tháng đầu năm cũng tăng 19,5%, dệt may tăng 16,1% và giày dép tăng 27,0% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng trên diện rộng này được thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu thụ đang dần hồi phục tại các thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Về thu hút vốn FDI, trong tháng 5/2021 Việt Nam thu hút được 1,7 tỷ USD vốn FDI, giảm 20% so với tháng trước do ảnh hưởng của đợt tái bùng phát dịch lần thứ 4. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng vốn FDI cam kết đạt 14 tỷ USD, tương đương với cùng kỳ năm ngoái.
So với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,3%, phản ánh tác động của việc tăng giá hàng hóa toàn cầu đến giá cả trong nước. Ngoài ra giá cả hàng hoá tăng trong thời gian gần đây cũng phản ánh quyết định tăng giá nhiên liệu của Chính phủ vào cuối tháng 4 – giữa tháng 5 đẩy giá xăng 2,1%, dầu diesel tăng 2,8% và dầu hỏa tăng 5,1% so với tháng trước. Do thiếu hụt nguồn cung, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kim loại cũng tăng 4,8% so với tháng trước và đây là nguyên nhân đẩy giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng. Đáng chú ý so với cùng kỳ năm 2020, CPI tăng 2,9% – thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra.
Việt Hùng