Tình trạng nhiễm ‘nấm đen’ làm tăng thêm thảm họa hậu Covid-19 ở Ấn Độ

Không chỉ phải vật lộn với làn sóng covid-19 thứ hai gây chết người hàng loạt. Ấn Độ hiện đang phải đối mặt với một thách thức mới: đó là sự gia tăng đáng báo động của các trường hợp nhiễm mucormycosis, một bệnh nhiễm trùng hiếm gặp nhưng có khả năng gây tử vong còn được gọi là nấm đen.


Bác sĩ kiểm tra cho một bệnh nhân nhiễm nấm mucormycosis tại một khu bệnh viện đặc biệt ở Pune, Ấn Độ vào ngày 22 tháng 5.

Bệnh nấm – mà Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết có tỷ lệ tử vong là 54% đã được báo cáo ở vài nghìn người, chủ yếu là bệnh nhân tiểu đường đang hồi phục hoặc đã khỏi bệnh sau COVID-19. Một số bang của Ấn Độ đã tuyên bố nấm đen là một dịch bệnh, khiến chính phủ quốc gia này kêu gọi dự trữ thuốc được sử dụng trong điều trị.

Thủ hiến Delhi Arvind Kejriwal cho biết hôm thứ Hai có gần 500 bệnh nhân nhiễm nấm đen ở thủ đô nhưng hiện đang thiếu thuốc điều trị.

Ấn Độ thường tiêm thuốc amphotericin B cho những bệnh nhân nhiễm nấm đen, những người có biểu hiện mũi bị thâm đen hoặc đổi màu, nhìn mờ, đau ngực, khó thở và ho ra máu.

Thủ hiến Kejriwal cho biết: “Một bệnh nhân cần 4-5 mũi tiêm mỗi ngày và hiện tại chúng tôi cần 2.000 mũi tiêm mỗi ngày nhưng chỉ nhận được 400 đến 500 mũi”.

Trong khi đó, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đảm bảo với chính quyền địa phương rằng sẽ sớm có đủ nguồn cung cấp thuốc. Bộ trưởng Bộ Y tế Harsh Vardhan cho biết hôm thứ Hai rằng: “Có rất nhiều lo ngại trong nước về sự sẵn có của amphotericin B”. Người đứng đầu ngành y tế Ấn Độ cũng cho biết thêm rằng 900.000 lọ thuốc này đang được nhập khẩu. Trong số này, 50.000 lọ đã được nhận và khoảng 300.000 nữa dự kiến ​​sẽ có trong vòng một tuần.

Tính đến sáng thứ Hai (24/5), Bộ trưởng Y tế cho biết đã có 5.424 trường hợp được báo cáo từ 18 trong số 36 tiểu bang và vùng lãnh thổ liên bang của đất nước, với hơn 4.550 bệnh nhân có tiền sử nhiễm COVID-19. Ông nói thêm: “Bệnh tiểu đường hiện diện ở 55% bệnh nhân”.

Nhiễm nấm bị gây ra bởi một nhóm nấm được gọi là mucormycetes, chúng xuất hiện tự nhiên trong môi trường. Chúng được tìm thấy hầu hết trong đất và các chất hữu cơ đang thối rữa như lá và phân trộn.

Trong những trường hợp bình thường, hệ thống miễn dịch của cơ thể có thể chống lại nhiễm trùng nấm thành công. Tuy nhiên, bệnh nhân COVID-19 (đặc biệt là những người mắc bệnh tiểu đường) có nguy cơ cao, vì thuốc điều trị viruscorona cũng ức chế hệ thống miễn dịch. Hơn nữa, bệnh nhân COVID đang điều trị bằng oxy trong các khoa chăm sóc đặc biệt của bệnh viện rất dễ bị nhiễm nấm vì hơi ẩm thải ra từ máy tạo ẩm thường thấy trong các đơn vị này.

“Mặc dù nhiễm trùng có thể chỉ bắt đầu bằng nhiễm trùng da, nhưng nó có thể lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể”, một tuyên bố gần đây của Bộ Y tế cho biết, điều trị bằng phẫu thuật loại bỏ tất cả các mô chết và nhiễm trùng. “Ở một số bệnh nhân, điều này có thể dẫn đến mất răng hàm trên hoặc đôi khi là cả mắt”.

Trong một cuộc họp trực tuyến ngày 21/5 với các nhân viên y tế ở thành phố Varanasi, miền Bắc nước này, Thủ tướng Modi cho biết nấm đen là “một thách thức mới trong cuộc chiến chống lại đại dịch của chúng ta”.

Ông nói: “Chúng ta phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết [chống lại nấm] và chuẩn bị để đối phó với nó”.

Các chuyên gia y tế lo ngại về sự xuất hiện ngày càng nhiều của nấm đen trong làn sóng covid-19 thứ hai này. Bác sĩ Rajinder K. Dhamija, Trưởng khoa thần kinh của Bệnh viện Lady Hardinge ở New Delhi cho biết: “Chính vì việc sử dụng bừa bãi steroid trên bệnh nhân COVID-19 [so với năm ngoái] đã dẫn đến sự gia tăng lượng đường trong máu”.

Bệnh nhân tiểu đường đã có hệ thống miễn dịch tương đối yếu, điều này làm trầm trọng thêm các bệnh nấm. “Hắc lào là một căn bệnh rất nguy hiểm và có thể gây tử vong, tuy nhiên, vẫn có cách chữa trị nếu tình trạng bệnh được chẩn đoán sớm”.

Ông nói: “Nấm đen đã xuất hiện ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 nổi lên, nhưng trước đây chúng tôi hiếm khi thấy những trường hợp như vậy. Nên sử dụng steroid một cách thận trọng và mọi người cũng nên thường xuyên theo dõi lượng đường trong máu của họ và giữ cho bệnh tiểu đường được kiểm soát”.

Đợt nhiễm COVID-19 đầu tiên của Ấn Độ lên đến đỉnh điểm vào tháng 9 năm ngoái với hơn 97.000 trường hợp mắc hàng ngày. Nhưng làn sóng thứ hai lây lan nhiều hơn và nguy hiểm hơn hiện đang gây ra cho đất nước với tổng số ca mắc hàng ngày lên tới 400.000 người (cao nhất trên thế giới). Nhiều bệnh nhân hiện phải nằm viện trong thời gian dài hơn với sự hỗ trợ oxy khi cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe quá tải.

Thùy Trang