Các nhà máy của Trung Quốc lao đao khi giá nguyên liệu thô tăng

Một làn sóng ngừng hoạt động và ngừng sản xuất tạm thời đang càn quét qua một số nhà máy ở trung tâm sản xuất phía Nam của Trung Quốc khi chi phí nguyên liệu tăng cao ăn mòn lợi nhuận và làm gia tăng lo ngại về rủi ro lạm phát trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trên khắp tỉnh Quảng Đông, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuỗi công nghiệp – vốn sản xuất mọi thứ từ thép đúc đến thiết bị gia dụng – đang phàn nàn rằng tình hình năm nay có thể còn khó khăn hơn năm ngoái.

Điều này có thể gây ngạc nhiên cho một số người, vì nhiều khách hàng ở nước ngoài đã chuyển sang Trung Quốc để thực hiện các đơn đặt hàng vốn được sản xuất tại các quốc gia hiện đang bị tàn phá bởi COVID-19, bao gồm Ấn Độ và các nước láng giềng Đông Nam Á của Trung Quốc – những đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất.

Tuy nhiên, khi đại dịch gây ra thiệt hại nặng nề cho các chuỗi cung ứng trên toàn cầu, một số nhà sản xuất Trung Quốc cho biết việc tìm nguồn nguyên liệu họ cần để sản xuất hàng hóa đã trở nên quá đắt đỏ.

Modern Casting Ltd, một trong những nhà máy cung cấp sắt và thép đúc lớn nhất Quảng Đông, đã đưa ra một tuyên bố cho khách hàng vào tuần trước rằng họ sẽ không thể hoàn thành tốt các đơn đặt hàng mà họ đã nhận được, do giá tăng và thiếu nguyên liệu thô. Tuyên bố của công ty cho biết: “Chi phí vật liệu đúc đã vượt xa lợi nhuận gộp của công ty và đến mức chúng tôi không thể chịu được bất kỳ khoản lỗ nào nữa”. Công ty Modern Casting, đặt tại thành phố Giang Môn, sản xuất gang xám, thép và gang dẻo có kích thước lên tới 60.000kg (132.277 pound). Trong khu công nghiệp tương tự, một nhà máy đúc nhỏ hơn – JiangXin Foundry Ltd – cũng không có lựa chọn nào khác ngoài việc giảm sản lượng, theo giám đốc sản xuất Huo Huagen cho biết. Ông cho hay nhà máy chỉ hoạt động trong bốn ngày vào thời điểm này. Sau đó, nó đóng cửa trong ba ngày trước khi mở thêm bốn ngày nữa. Công nhân tại nhà máy cũng đang gặp khó khăn, với mức lương hàng tháng của họ giảm xuống còn khoảng 3.000 nhân dân tệ vì họ bị mất ca làm việc. Năm ngoái, họ đã kiếm được tới 8.000 nhân dân tệ trong những tháng sản xuất cao điểm.

Tình hình không khả quan hơn tại Bangzhan Construction Formwork Ltd của Quảng Đông, nơi một giám đốc bán hàng cho biết giá nhôm đã tăng lên hơn 20.000 nhân dân tệ (3.111 USD) một tấn trong khoảng hai tuần trong tháng này, tăng từ khoảng 15.000 nhân dân tệ vào đầu năm nay.

Ông nói: “Các nhà sản xuất Trung Quốc… không dám tiến hành sản xuất hàng loạt như bình thường” và cho biết thêm rằng rủi ro khi nhận đơn đặt hàng mới là rất lớn khi giá nguyên liệu đầu vào quá cao.

Các nhà sản xuất thiết bị gia dụng trong tỉnh cũng đã tạm dừng sản xuất ở nhiều mức độ khác nhau do lo ngại về giá cả lạm phát. Điều này xảy ra sau khi Ủy ban Phát triển và Ổn định Tài chính của Trung Quốc, do Phó Thủ tướng Lưu Hạc, cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu, hồi đầu tháng trước đưa ra những lo ngại về những rủi ro kinh tế tiềm ẩn liên quan đến giá hàng hóa cao và lạm phát.

Giá kim loại toàn cầu, bao gồm đồng, quặng sắt, kẽm, niken và nhôm, đã tăng vọt trong những tuần gần đây. Ví dụ, đồng đã đạt 10.000 USD/tấn trong khi quặng sắt được giao dịch trên 200 USD/tấn. Trong nỗ lực thúc đẩy nguồn cung thép trong nước và không khuyến khích xuất khẩu, Bộ Tài chính đã loại bỏ các khoản giảm thuế xuất khẩu đối với 146 sản phẩm thép từ ngày 1 tháng 5 và miễn thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm khác, bao gồm gang, thép thô, thép nguyên liệu tái chế và ferrochrome. Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế xuất khẩu thép như vậy đã không có hiệu quả, theo một báo cáo nghiên cứu của Mysteel Global cho biết vào tuần trước, do nhu cầu thép toàn cầu vẫn đang tăng và việc hạn chế xuất khẩu thép từ Trung Quốc sẽ khiến giá tăng.

Trên thực tế, xuất khẩu thép của Trung Quốc đã tăng đáng kể trong bốn tháng đầu năm nay. Trong tháng 4, xuất khẩu các sản phẩm thép đạt 7,973 triệu tấn, mức cao kỷ lục hàng tháng kể từ năm 2017. Mysteel cho biết: “Trước lợi nhuận xuất khẩu cao, việc giảm thiểu khí thải và ô nhiễm không còn là ưu tiên. Rất khó để yêu cầu các nhà sản xuất trong nước giảm xuất khẩu chứ chưa nói đến việc nhập khẩu thép giá cao ở nước ngoài”.

Việt Thành