Hoàn thiện thể chất phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Ngày 15/11/2018 tại Hà Nội, Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng trung ương phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức Hội thảo Xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động tập đoàn nhà nước.
Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Vũ Trường Sơn: Cần hoàn thiện thể chế phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước trong bối cảnh hội nhập
Góp phần bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế
Theo PGS.TS Vũ Văn Hà – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản: “Doanh nghiệp nhà nước vẫn có vai trò quan trọng nhất định ở hầu hết các quốc gia, từ các nước phát triển cho tới các nền kinh tế mới nổi và các nước có thu nhập thấp”.
Thực tế ở nước ta, mặc dù quá trình cổ phần hóa được đẩy mạnh, cùng với sự phát triển của khu vực tư nhân, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn là thành phần chính trong các ngành lĩnh vực, then chốt như tài chính, hạ tầng, chế tạo, năng lượng, khai khoáng. Thậm chí, ngày càng nhiều DNNN xuất hiện trong danh mục các công ty có quy mô nhất, nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường vốn…
Trong khu vực DNNN, các tập đoàn kinh tế nhà nước có vai trò quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Việc hình thành các tập đoàn kinh tế nhà nước giúp nhà nước tập trung, kiểm soát các nguồn lực, cho phép phát huy lợi thế của kinh tế quy mô, khai thác ưu thế về thương hiệu, hoạt động đầu tư, thương mại, hệ thống dịch vụ đầu vào, đầu ra, nâng cao khả năng cạnh tranh và tối đa hóa lợi nhuận trong tập đoàn. Các tập đoàn kinh tế nhà nước đảm nhận nhiệm vụ là trụ cột quan trọng của nền kinh tế, là lực lượng, công cụ quan trọng để mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế, giữ vai trò tiên phong đối với quá trình đổi mới khoa học và công nghệ quốc gia…
Thực tiễn triển khai thí điểm cũng như bước đầu điều hành các tập đoàn kinh tế cho thấy có những kết quả nổi bật. Các tập đoàn kinh tế trong thời gian qua đã cơ bản thực hiện được vai trò là lực lượng quan trọng của nền kinh tế, góp phần điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình vận hành vẫn còn xảy ra tình trạng các tập đoàn kinh tế hoạt động kém hiệu quả, để xảy ra tiêu cực, tham nhũng lãng phí, làm thất thoát tài sản nhà nước, hoạt động đầu tư bên ngoài lĩnh vực chính còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, trong lúc năng lực quản lý và khả năng tài chính còn hạn chế, thiếu kiểm soát chặt chẽ, làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp; chưa thực sự phát huy được vai trò nòng cốt trong nền kinh tế cũng như chưa làm tốt vai trò dẫn dắt, thúc đẩy các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế khác phát triển, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của đất nước…
Từ thực tiễn hoạt động của Tập đoàn Dầu khí, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Nguyễn Vũ Trường Sơn cho rằng: “Sự ra đời và phát triển của các tập đoàn kinh tế nhà nước đã đóng góp đáng kể, không chỉ vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước mà còn góp phần đưa Việt Nam vào hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang cần tranh thủ các điều kiện, thời cơ do hội nhập kinh tế quốc tế đem lại như việc tham gia ký kết các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như Hiệp định đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EU) sắp được ký kết trong thời gian tới”.
Sớm hoàn thiện thể chế phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước
Theo Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn, để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước nói chung, nhất là của các tập đoàn kinh tế nhà nước thì một trong những vấn đề then chốt cần giải quyết đó là hoàn thiện thể chế phát triển các tập đoàn này. Trong đó một vấn đề cần đặc biệt quan tâm là việc thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng trong quản lý, điều hành của Nhà nước đối với các tập đoàn kinh tế chủ lực của đất nước.
PGS.TS Phạm Tiến Đạt – Viện phó Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng: khuôn khổ pháp lý về cơ chế quản lý tài chính của nhà nước với DNNN nhiều hạn chế. “Cơ quan chủ quản vừa thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực chuyên ngành, vừa thực hiện vai trò cơ quan đại diện chủ sở hữu, dẫn đến tình trạng quản lý chồng chéo, không hiệu quả. Kết quả đánh giá cũng không thể được phản ánh chính xác”.
Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước trong công tác giám sát chưa cao. Mô hình quản lý phân tán còn làm cho DNNN phải thực hiện nhiều báo cáo cho nhiều cơ quan quản lý làm mất thời gian và gây chậm trễ trong việc nộp báo cáo.
Trước thực trạng trên, ông Đạt kiến nghị, cần nhanh chóng hoàn thiện bộ máy triển khai mô hình Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa được thành lập. Trong đó, tách bạch rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo tỷ lệ vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, phân định rõ quyền quản trị công ty với quyền chủ sở hữu doanh nghiệp.
Đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước cần đảm bảo theo thông lệ của thị trường và tuân thủ theo các quy định của pháp luật trong kinh doanh (nhận vốn của Nhà nước để kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận, gia tăng giá trị vốn của Nhà nước và chịu trách nhiệm đối với phần nhiệm vụ được giao, đồng thời tăng tính chủ động trong các quyết định đầu tư). Cần phải xem xét rõ nguyên tắc đầu tư và hoạt động kinh doanh đối với vốn Nhà nước là phải “bảo toàn và phát triển vốn” trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiểu như thế nào cho đúng, phù hợp.
Cơ chế quản lý tài chính của Nhà nước cần được hoàn thiện lại để phù hợp với mô hình quản lý mới. Phải tiếp tục thống nhất quan điểm “quản lý vốn Nhà nước” thay cho quan điểm “quản lý tài sản Nhà nước” như trước đây. Theo đó, cơ chế quản lý tài chính sẽ tập trung vào khâu giám sát tài chính thông qua theo dõi, kiểm tra, thu thập thông tin để phân tích, đánh giá, cảnh báo rủi ro cho các TĐKT nhằm đảm bảo an toàn vốn Nhà nước.
Đánh giá về vấn đề quản lý vốn nhà nước, Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, việc quản lý DNNN phải đảm bảo 2 mục tiêu: tạo lợi nhuận, phát triển vốn và làm đúng chính sách của nhà nước. Đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch, DNNN phải đăng ký trên thị trường chứng khoán mới đo được tính minh bạch và hiệu quả. Các nước như Trung Quốc yêu cầu DNNN đăng ký trên thị trường chứng khoán trong nước và thị trường chứng khoán thế giới. Bên cạnh đó, cần thiết phải cho DNNN phá sản như các DN khác, tạo động lực buộc DN phải thay đổi. Tăng cường tính minh bạch, Nhà nước chỉ hỗ trợ cho những DN làm ăn tốt, có khả năng phát triển, chứ không hỗ trợ tràn lan.
PGS.TS Bùi Quang Tuấn – Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đánh giá, tình hình tài chính, quản trị của DNNN hoạt động kinh doanh thiếu công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Nhất là trong mua sắm, đầu tư, chi tiêu, công tác cán bộ, giao dịch với người có liên quan. Việc thực hiện công bố thông tin còn mang tính hình thức và trách nhiệm giải trình của DNNN còn thấp. Trình độ quản lý, năng lực lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp của cán bộ quản lý DNNN còn nhiều hạn chế. Mức độ chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ quản lý DNNN còn thấp so với yêu cầu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, bình đẳng cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. Có tình trạng một số cán bộ quản lý DNNN vì ngại ảnh hưởng đến quyền và lợi ích cá nhân đã làm chậm tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn ngoài ngành tại doanh nghiệp nhà nước.
Các tham luận tại hội thảo đã góp phần làm sáng tỏ hơn những vấn đề xung quanh việc xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước. Đặc biệt nhiều giải pháp, kiến nghị để hoàn thiện thể chế góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của các tập đoàn kinh tế nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng đã được đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tập đoàn kinh tế nhà nước phù hợp yêu cầu trong điều kiện mới.
Minh Đường