Các công cụ giúp Trung Quốc kìm hãm giá hàng hóa, kiềm chế lạm phát
Bối cảnh giá cả các mặt hàng trong nước đồng loạt gia tăng chóng mặt, Trung Quốc đã sử dụng hàng loạt công cụ để kiểm soát đà tăng kỷ lục này như rút thanh khoản khỏi hệ thống tài chính, hoãn gói kích thích tài chính…?
Một điều dễ nhận thấy là các sàn giao dịch hàng hóa lớn tại Trung Quốc đều nằm trong “tầm ngắm” của chính quyền Bắc Kinh và bất cứ khi nào cảm thấy giá cả biến động mạnh, chính phủ lập tức vào cuộc. Đơn cử như hôm 10/5, nhà quản lý đã lập tức vào cuộc khi giá quặng sắt nhảy vọt.
Mới đây sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, sàn giao dịch hàng hóa tương lai tại Thượng Hải đã tuyên bố sẽ trừng phạt nghiêm khắc các vi phạm trong giao dịch quặng sắt liên quan đến việc tăng yêu cầu ký quỹ và thu hẹp biên độ giao dịch hàng ngày. Sàn giao dịch hàng hóa Trịnh Châu cũng có động thái tương tự đối với mặt hàng than.
Các nỗ lực này đều nhằm mục tiêu kiềm chế các dòng đầu cơ có thể tạo ra lạm phát, khiến giá cả hàng hóa tăng chóng mặt. Tuy nhiên không phải lúc nào biện pháp này cũng phát huy hiệu quả. Đơn cử giá thép cây và thép cuộn cán nóng ở Thượng Hải vẫn tăng chóng mặt; tương tự giá than cũng tạo ra một kỷ lục mới. Đây là lý do Trung Quốc phải nhờ đến các biện pháp kiểm soát khác như:
Tăng nguồn cung để kìm hãm đà tăng giá
Để giảm bớt tình trạng thiếu hụt, Trung Quốc thường dựa vào khu vực kinh tế nhà nước rộng lớn. Tháng trước, cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu nước này đã yêu cầu các công ty khai thác than sản xuất ở mức sản lượng tối đa trong mùa đông để tránh tình trạng khan hiếm, tăng giá. Tuy nhiên sau đó giá than vẫn tăng cao lên mức đỉnh điểm
Đối với khí đốt, vì mùa đông lạnh giá bất thường nên các nhà nhập khẩu chỉ bị trách mắng qua loa khi không thể đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Điều này cũng tạo động lực cho họ tiếp tục mua hàng trong năm nay.
Tuy nhiên, các nỗ lực tăng cường cung cấp năng lượng đã bị ảnh hưởng bởi căng thẳng ngoại giao với Canberra. Trung Quốc đã cấm nhập khẩu than của Australia. Ngoài ra, ít nhất 2 trong số các nhà nhập khẩu khí đốt nhỏ của Trung Quốc cũng được yêu cầu tránh mua thêm hàng từ Australia để giao trong năm tới.
Hạ nhiệt thị trường bằng nguồn dự trữ nhà nước
Đặt trong bối cảnh giá nhôm tăng vọt, Trung Quốc đã cân nhắc đến việc bán khoảng 500.000 tấn nhôm từ nguồn dự trữ nhà nước để hạ nhiệt thị trường. Nhờ vậy giá nhôm ban đầu có giảm nhưng sau đó vẫn quay lại mức cao nhất trong một thập kỷ.
Sản lượng nhôm tiêu thụ của Trung Quốc trong năm 2020 là 37 triệu tấn, chiếm hơn một nửa tổng sản lượng của thế giới. Quốc gia này cũng nắm giữ các kho dự trữ hàng hóa lớn, đa dạng như: đồng, đậu nành, dầu thô…. và trong kế hoạch dài hạn, Bắc Kinh đang tính đến việc bổ sung thêm kim loại cơ bản vào nguồn dự trữ chiến lược để đảm bảo nguồn cung trong nước và giảm bớt sự thiếu hụt tiềm năng.
Tăng cường dự trữ thực phẩm
Trung Quốc cũng đang xây dựng vùng đệm nông nghiệp cho mình. Để dập tắt nguy cơ tăng giá đột biến trước vụ thu hoạch nội địa vào quý IV, chính quyền Bắc Kinh đã mua một lượng lớn ngô của Mỹ để dự trữ và sẵn sàng tung ra thị trường. Tương tự Trung Quốc cũng thường xuyên giải phóng lượng thịt lợn dự trữ để hạ nhiệt giá cho loại thịt được tiêu thụ rộng rãi nhất nước này.
Ngoài ra xuất phát từ lo ngại rằng việc các nhà máy thức ăn chăn nuôi tăng mua có thể đẩy giá vụ lúa mì mới thu hoạch lên cao, các nhà chức trách cũng đã chính thức áp đặt các biện pháp hạn chế bán lúa mì của nhà nước.
Kích thích tài chính
Để giải cứu nền kinh tế đang điêu đứng vì đại dịch, Trung Quốc sử dụng cách quen thuộc là đầu tư quy mô lớn vào hạ tầng và mở rộng tín dụng cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên động thái này lại đẩy giá thép và các vật liệu xây dựng khác (đồng, nhôm…) tăng vọt. Đó là lý do năm nay Trung Quốc phải cắt giảm hạn ngạch đối với việc bán trái phiếu tài trợ cho cơ sở hạ tầng. Chính quyền các địa phương cũng đã giảm tốc phát hành trái phiếu địa phương. Khi chính phủ chuyển trọng tâm sang ngăn chặn bong bóng bất động sản, các nhà kinh doanh kim loại sẽ nhận ra chính sách tài khóa đang dần thắt chặt.
Thắt chặt chính sách tiền tệ
Sau khi chứng kiến sự tăng trưởng nhanh nhất về Chỉ số giá sản xuất (PPI) kể từ tháng 10/2017, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bắt đầu lưu tâm đến việc kìm hãm giá hàng hóa, kiềm chế lạm phát
Tất cả các thị trường tài chính của Trung Quốc đều đang khẩn trương trước bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy PBOC sẽ tăng tốc thắt chặt tiền tệ khi quốc gia này hoàn thành quá trình phục hồi sau đại dịch. Đối với kim loại, các yêu cầu cho vay khó khăn hơn sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu trên các lĩnh vực, từ bất động sản cho đến ôtô, hàng tiêu dùng. Tuy nhiên Bloomberg Economics cho rằng PBOC không có động lực để hành động vì giá tiêu dùng vẫn tương đối thấp.
Hùng Dũng