Thép Việt bị Malaysia áp thuế chống bán phá giá tạm thời lên đến 15,69%
Theo thông tin từ Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), Bộ Công nghiệp&Thương mại Quốc tế Malaysia (MITI) vừa đưa ra thông báo kết luận điều tra sơ bộ vụ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm sắt, thép cuộn hợp kim và không hợp kim cán phẳng mạ hoặc tráng kẽm có xuất xứ Việt Nam và Trung Quốc.
Theo đó MITI đưa ra kết luận rằng một số sản phẩm thép từ Việt Nam và Trung Quốc đang bán phá giá vào Malaysia gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nước nội địa. Căn cứ vào kết luận này, MITI sẽ tiếp tục vụ việc điều tra và sẽ áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm bị điều tra từ Việt Nam ở mức 0 – 15,69% và từ Trung Quốc là 0 – 16,13%. Thời gian áp dụng là 120 ngày kể từ ngày 8/11.
Sản phẩm bị điều tra và áp thuế tạm thời có mã HS: 7210.41.1100; 7210.41.1200; 7210.41.1900; 7210.41.9900; 7210.49.1100; 7210.49.1200; 7210.49.1300; 7210.49.1900; 7210.49.9100; 7210.49.9900; 7212.30.9000; 7225.92.9000, 7225.99.9000; 7226.99.1100; 7226.99.1900; 7226.99.9100; 7226.99.9900.
Trước đó vào ngày 24/7, MITI đã khởi xướng cuộc điều tra vụ việc căn cứ vào đơn kiện nộp ngày 26/6 của nguyên đơn là Công ty Thép FIW. Cụ thể FIW đưa ra cáo buộc rằng một số sản phẩm sắt hoặc thép hợp kim và không hợp kim dạng cuộn cán phắng, mạ hoặc tráng kẽm nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc gần đây gia tăng đáng kể và được bán phá giá tại thị trường Malaysia gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa nước này.
Trong 10 tháng năm 2018, Malaysia là thị trường nhập khẩu sắt thép các loại lớn thứ 4 của Việt Nam với khối lượng đạt 526.412 tấn và giá trị đạt gần 364 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sắt thép sang thị trường này tăng trưởng mạnh 72% về lượng và 94% về giá trị. |
Quang Vinh