Tăng cường hệ thống giải quyết tranh chấp trực tuyến

Tỷ lệ thuận với tốc độ phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid – 19 hoành hành thì các tranh chấp giao dịch trực tuyến giữa người bán với người mua cũng có sự gia tăng đáng kể.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), có đến 24,4% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ từng có tranh chấp với người mua, bên bán hoặc cả hai trong thời gian qua; trong đó các vụ tranh chấp giao dịch trực tuyến ngày càng tăng do nhiều người bán hàng lợi dụng hình thức kinh doanh này để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng

Hiện nay có 4 phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến ở Việt Nam gồm thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, thương lượng vẫn là phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến nhất (chiếm 57,8%), tiếp đến là toà án (46,8%), hòa giải (22,8%) và trọng tài (16,9%). Thời gian để giải quyết tranh chấp rất đa dạng, theo đó 5,65% hoàn tất dưới 1 tháng; 27,17% từ 1-3 tháng; 15,22% từ 3-6 tháng.

Theo đánh giá của Luật sư Châu Việt Bắc – Phó tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), những con số thống kê trên vẫn khá thấp so với dự đoán. “Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, chúng tôi tiếp nhận rất nhiều liên hệ xin được tư vấn về vi phạm quyền lợi phát sinh thời gian qua. Đa phần các doanh nghiệp đều nghĩ các bất đồng cần có phân xử của trọng tài hay tòa án thì mới gọi là tranh chấp mà không hề biết rằng việc hai bên tự thương lượng cũng được xem là một phương thức giải quyết tranh chấp” – ông Bắc cho hay.

Còn theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), trong năm 2020 vừa qua cơ quan này đã tiếp nhận và xử lý 250 lượt phản ánh các hành vi như: không đăng ký, thông báo website, cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng, giả mạo doanh nghiệp khác nhằm lừa đảo khách hàng. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2020, các website và các sàn đã xử lý khoảng 17.410 gian hàng và 34.620 sản phẩm vi phạm.

Ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho biết mặc dù hiện nay mỗi nền tảng bán hàng trực tuyến đều có quy trình tiếp nhận khiếu nại của khách hàng và giải quyết các tranh chấp song vẫn có những hạn chế nhất định trong quá trình thực thi. Cụ thể các chủ nền tảng chỉ có thể thực thi bằng cách đóng gian hàng đó, nhưng còn hạn chế về khả năng yêu cầu gian hàng bồi thường, đền bù với người mua.

Để khắc phục những bất cập này, ông Dương khuyến nghị doanh nghiệp có thể cân nhắc tới việc áp dụng hệ thống giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR) nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh đơn giản và đỡ tốn kém chi phí hơn. “ODR khác truyền thống là có yếu tố công nghệ, từ đơn giản như trao đổi qua email đến những nền tảng giải quyết tranh chấp có tính tự động cao, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Ứng dụng này cũng có thể tiết kiệm chi phí, nhanh chóng, linh hoạt; tương tác không đối đầu; cho phép tiếp cận trung lập tốt hơn; không hạn chế phạm vi lãnh thổ và lưu trữ hồ sơ dễ dàng, thuận tiện hơn” – ông Dương nhấn mạnh

Nhiều ưu điểm là vậy song khảo sát của CIEM cho thấy mới chỉ có 1/4 doanh nghiệp từng nghe đến ODR, chỉ 32,29% doanh nghiệp cho rằng ODR có thể áp dụng tại Việt Nam và 74% có nhu cầu đào tạo về ODR.

Theo các chuyên gia, thời gian tới Việt Nam cần tập trung hoàn thiện các điều kiện để phổ biến và ứng dụng ODR hữu hiệu hơn. “Mặc dù Luật Giao dịch điện tử đã tạo khung pháp lý tương đối hoàn thiện song do nhà làm luật chưa nhìn thấy những xu hướng áp dụng công nghệ trong việc giải quyết các tranh chấp trực tuyến nên vẫn cần tiếp tục bổ sung” – Luật sư Châu Việt Bắc nhận định.

Quốc Trung