Cách Apple thực hiện M&A: Lặng lẽ và không thông qua ngân hàng

Vào tháng 2/2021, Giám đốc điều hành của Apple, Tim Cook, nói với các cổ đông rằng công ty đã mua khoảng 100 công ty trong sáu năm qua. Đó là kết quả hợp lý với việc nhà sản xuất iPhone thường mua lại một công ty sau mỗi ba đến bốn tuần.

Số liệu thống kê cho ta ấn tượng về Apple như cỗ máy giao dịch. Tuy nhiên, chỉ một số ít trong số đó là các giao dịch lớn như thương vụ trị giá 3 tỷ USD cho nhà sản xuất tai nghe Beats Music vào năm 2014. Phần lớn là thương vụ với các công ty nhỏ hơn đáng kể mà không có hồ sơ công khai lớn. Trong khi các đối thủ công nghệ lớn thường xuyên thực hiện các thương vụ trị giá hàng tỷ USD, Apple đã đi theo một chiến lược khác.

Họ thường mua một công ty nhỏ chủ yếu dành cho nhân viên của mình.

Những người đã gia nhập Apple thông qua một thương vụ mua lại và tham gia vào quá trình mua lại nói với CNBC rằng chiến lược mua lại của Apple tập trung vào việc thu hút nhân viên kỹ thuật tài năng từ các công ty nhỏ hơn, thường định giá các công ty đó theo số lượng kỹ sư làm việc ở đó, đồng thời tích hợp họ một cách nhanh chóng và lặng lẽ thành các nhóm làm việc tại Apple.

Apple đã sử dụng các vụ mua lại để tăng tốc độ mở rộng trong các lĩnh vực mà họ cần tài năng kỹ thuật hoặc họ nhận thấy một công nghệ cụ thể có thể tạo nên sự khác biệt so với các đối thủ của mình. Mặc dù thương vụ mua lại là một kỹ thuật phổ biến giữa các công ty công nghệ lớn, nhưng sự tập trung gần như độc quyền của Apple vào các giao dịch nhỏ hơn khiến nó trở nên khác biệt.

Nicklas Nilsson, nhà phân tích tại GlobalData, một công ty chuyên theo dõi các giao dịch M&A, cho biết: “Chúng tôi đã thấy các công ty như Google, Facebook, Intel và Amazon thực hiện nhiều thương vụ hàng tỷ USD. Apple đang mua nhiều công ty khởi nghiệp nhỏ hơn trong khi những người khác chi tiêu nhiều hơn cho những người chơi đã nổi danh”.

Tim Cook cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC vào năm 2019 rằng cách tiếp cận của công ty là xác định nơi công ty có những thách thức kỹ thuật và sau đó mua các công ty giải quyết được những thách thức đó. Một ví dụ là việc mua lại AuthenTec vào năm 2012, dẫn đến thúc đẩy công nghệ quét dấu vân tay của iPhone.

Tim Cook cho biết: “Chúng tôi đã mua một công ty làm việc trong dịch vụ Touch ID Thông thường, quy trình mua lại của Apple bắt đầu sau khi giới thiệu cho các nhóm kỹ thuật tại Apple. Apple thường mời các công ty khác giới thiệu công nghệ mà Apple có thể muốn hợp tác hoặc cấp phép, và đôi khi những cuộc họp này khởi động quá trình mua lại.

Một người quen thuộc với quy trình này cho biết, khi người quản lý của các nhóm đó quyết định họ muốn có công nghệ hoặc tài năng, họ đưa nó lên nhóm mua bán và sáp nhập (M&A), hoạt động như một tổ chức dịch vụ giúp các nhóm kỹ thuật của Apple kết thúc giao dịch một cách suôn sẻ. Sau khi giao dịch hoàn tất, Apple có một nhóm tập trung vào việc tích hợp các nhân viên mới vào nhóm kỹ thuật cụ thể mà họ sẽ đóng góp.

Đối với các giao dịch nhỏ hơn, Apple thường không triển khai các nhân viên ngân hàng. Nhóm mua bán và sáp nhập của Apple thực hiện thẩm định, phỏng vấn các thành viên trong nhóm và giữ cho giao dịch được kết thúc. Một người giấu tên nói rằng đội ngũ của Apple đáng tin cậy và chuyên nghiệp hơn hẳn so với các công ty khác mà anh ta đã tham gia đàm phán, mặc dù họ biết họ muốn trả gì cho công ty khi quá trình này bắt đầu.

Thanh Lam