Trung Quốc ngáng chân khi các nền kinh tế G-20 thúc ép minh bạch nợ

Các quan chức kinh tế hàng đầu của Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thảo luận về việc xóa nợ cho các nước thu nhập thấp đang gặp khó khăn với các chiến dịch tiêm chủng của họ, nhưng các quốc gia tiên tiến đã không thể thu hẹp khoảng cách với chủ nợ hàng đầu Trung Quốc khi nước này không chịu tiết lộ chi tiết các khoản vay.


Một người đàn ông nhận vắc-xin coronavirus AstraZeneca-Oxford theo chương trình COVAX ở Addis Ababa, Ethiopia, vào ngày 13 tháng 3.

Cuộc họp trực tuyến giữa các bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương đã đề cập đến các cách thức cung cấp hỗ trợ tài chính, bao gồm các chủ đề như có khả năng kéo dài thời gian tạm ngừng thanh toán dịch vụ nợ song phương đến cuối năm 2021. Các quan chức trước đó đã đồng ý vào tháng 11 năm ngoái về một khuôn khổ chung để tái cơ cấu và xóa nợ.

Tuy nhiên, trong khi Trung Quốc ký tiếp vào chương trình thứ hai, nước này đã tỏ ra kém hợp tác hơn so với các thành viên G-20 khác mong đợi. Bắc Kinh đã cực kỳ miễn cưỡng tiết lộ các dữ liệu cần thiết về việc cho các quốc gia đang phát triển vay, ví dụ khẳng định rằng Ngân hàng Phát triển Trung Quốc 100% vốn nhà nước là một “chủ nợ thương mại” không thể bị buộc phải tham gia vào chương trình xóa nợ.

Sự phục hồi chậm chạp ở các nước mới nổi có nguy cơ không chỉ kéo nền kinh tế toàn cầu đi xuống mà còn kéo dài đại dịch Covid-19 do cản trở các nỗ lực tiêm chủng.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo thâm hụt tài khóa tổng thể ở các quốc gia thu nhập thấp sẽ tăng lên 4,9% tổng sản phẩm quốc nội, so với 10,4% của các quốc gia tiên tiến, cho thấy sự thiếu hụt tương đối trong chi tiêu cho các biện pháp thúc đẩy các nền kinh tế bị ảnh hưởng khó khăn. Đại dịch đã tạo ra một vòng luẩn quẩn làm thu hẹp nguồn thu từ thuế và không đủ kích thích kinh tế ở các quốc gia nghèo hơn, khiến những hỗ trợ từ bên ngoài như xóa nợ trở nên quan trọng.

Điều này cản trở một chiến dịch tiêm chủng vốn đã nghiêng nhiều về các nước giàu có. Theo trang web thống kê Our World in Data, trong khi Mỹ và Anh đã tiêm khoảng 50 liều vắc-xin cho mỗi 100 người, các nước đang phát triển ở Nam Mỹ và châu Á đã tiêm ít hơn 10 liều, theo trang web thống kê Our World in Data.

Khoảng cách giữa các quốc gia giàu có và các quốc gia có thu nhập thấp sử dụng cơ sở COVAX do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn đang “trở nên kỳ cục hơn mỗi ngày”, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.

Và với phần lớn chuỗi cung ứng nguyên liệu và tài nguyên tập trung ở các nước đang phát triển này, một đợt bùng phát không suy giảm có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng trên toàn cầu.

Khủng hoảng kinh tế của một số quốc gia mới nổi đang được cộng thêm bởi sự tháo chạy của vốn, đặc biệt là khi lãi suất ở Mỹ bắt đầu tăng cao hơn. Đồng tiền suy yếu cũng đang làm tăng thêm gánh nặng nợ bằng đồng đô la.

IMF ước tính rằng việc kiểm soát đại dịch nhanh chóng có thể dẫn đến thu nhập thuế thêm 1 nghìn tỷ USD cho các nền kinh tế tiên tiến nhờ tăng trưởng mạnh hơn, cũng như tiết kiệm thêm hàng nghìn tỷ USD hỗ trợ tài chính. Tổ chức này cho biết: “Phải tăng cường hợp tác toàn cầu để sản xuất và phân phối vắc xin cho tất cả các quốc gia với chi phí hợp lý”.

Anh Đức