Tương lai mở và những thách thức của nền kinh tế số tại Việt Nam

Vừa qua tại Hà Nội, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội (AmCham), Hiệp hội Thương mại châu Âu (EuroCham), Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI), Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) đã cùng phối hợp tổ chức Hội thảo “Khai phá hoàn toàn tiềm năng của nền kinh tế số tại Việt Nam”. Mục tiêu của Hội thảo nhằm góp tiếng nói điều chỉnh chính sách phù hợp, từ đó thúc đẩy các bước tiến xa hơn của Việt Nam trong việc khai thác hoàn toàn tiềm năng của nền kinh tế số; góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao chất lượng tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh Luật An ninh mạng Việt Nam đang có nhiều đổi mới.

Lựa chọn chính sách phù hợp cho thương mại điện tử

Với dân số khoảng 97 triệu người, trong đó có khoảng 58 triệu người sử dụng Interner cùng sự phát triển chóng mặt của công nghệ, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN; đi kèm đó là cơ hội thu hút các nguồn vốn vào khu vực kinh tế số. Thời gian qua đã xuất hiện xu hướng số hóa ở nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế, từ thương mại, thanh toán cho đến giao thông, giáo dục, y tế… Bên cạnh đó thị trường thương mại điện tử đang phát triển nhanh và quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến của Việt Nam cũng đang có xu hướng tăng nhanh. Sự phát triển mạnh mẽ của Internet và công nghệ được kỳ vọng sẽ tạo ra một nền tảng hỗ trợ cho nền kinh tế số phát triển nhanh và đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế Việt Nam.

Khẳng định trong chặng đường tới Việt Nam hoàn toàn có thể tạo lập những bước tiến xa hơn để khai phá tiềm năng của nền kinh tế số song các chuyên gia của AmChamm và VIA cũng đồng thời khuyến nghị Việt Nam cần có những bước đi mạnh mẽ hơn cũng như có các giải pháp hỗ trợ đồng bộ để phát triển nền kinh tế số một cách bền vững.

Ông Jake Jennings – Giám đốc điều hành Công ty Truyền thông AT&T (Mỹ) nhận định tiềm năng kinh tế số tại Việt Nam rất lớn, nhưng vấn đề là Chính phủ cần quan tâm về an ninh dữ liệu của người dùng, với khuôn khổ chính sách pháp luật cần thiết để bảo vệ và thu hút tiềm lực cho kinh tế số.  “Việt Nam đã tiếp cận đúng hướng, với nền tảng là Luật An ninh mạng, qua đó có thể thu hút đầu tư nhiều hơn cũng như mở đường cho doanh nghiệp khởi nghiệp và lan tỏa nền kinh tế số trong các lĩnh vực, từ giao thông, y tế, giáo dục…” – ông Jake Jennings  phân tích.

Còn theo Chủ tịch VECOM Nguyễn Thành Hưng thì cuộc cách mạng công nghệ ở quy mô toàn cầu đã  vào Việt Nam, đồng hành với người tiêu dùng kết nối, trong đó nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động xây dựng nền tảng của riêng mình, điển hình là Zalo với số lượng người dùng tăng rất nhanh. Ông Hưng dẫn chứng doanh số thương mại điện tử  bán lẻ qua các năm đã có sự phát triển nhanh và mạnh với mức tăng trưởng trung bình 25%/năm. Năm 2015 đạt 4,07 tỷ USD, 2016 đạt 5,1 tỷ USD, năm 2017 đạt 6,2 tỷ USD và dự kiến năm 2020 đạt 10 tỷ USD. Đây là cơ hội rất lớn để Việt Nam phát triển kinh tế số, tuy nhiên, theo các chuyên gia, để thành công còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết.

Đồng quan điểm với ông Hưng, Chủ tịch Ủy ban Công nghệ thông tin của AmCham – ông Thomas Treutler cho rằng những cách tiếp cận chính sách mà chính phủ Việt Nam đang thực hiện đối với một số công nghệ, thực tế là đang chuyển hướng làm cản trở tương lai phát triển của nền kinh tế số, đặc biệt là trong các lĩnh vực như quyền riêng tư và an ninh mạng. Ông Treutler cũng lưu ý rằng một cuộc khảo sát gần đây của Phòng Thương mại Mỹ cho thấy 61% thành viên trả lời họ sẽ ít có khả năng đầu tư vào Việt Nam do luật mạng mới. Ngoài ra, 89% cho biết luật sẽ làm cho nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam giảm bớt cạnh tranh.

Bàn về việc thực thi Luật An ninh mạng của Việt Nam trong thời gian tới, ông Adam Sitkoff – Giám đốc điều hành AmCham nhấn mạnh rằng AmCham ủng hộ mạnh mẽ mục tiêu của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy sự phát triển của Internet và nền kinh tế số, đồng thời đảm bảo an ninh dữ liệu và bảo vệ người sử dụng Internet. “Trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm đến luật pháp mạng, AmCham hoan nghênh Chính phủ Việt Nam tiến hành tham vấn ý kiến cộng đồng mạnh mẽ và hy vọng sẽ có buổi làm việc với lãnh đạo Việt Nam về phương pháp tiếp cận chính sách để giúp thúc đẩy các mục tiêu cơ bản của Luật này, đồng thời giảm thiểu tối đa những gián đoạn cho sự phát triển của các doanh nghiệp, nền kinh tế và Việt Nam. Chúng tôi cũng hy vọng dự thảo nghị định gần đây về việc thực hiện Luật An ninh mạng sẽ góp phần làm dịu bớt một số điều khoản có thể bị phản đối trong Luật, bao gồm các yêu cầu để thiết lập văn phòng địa phương và lưu trữ dữ liệu cục bộ” – ông Sitkoff bày tỏ.

Minh Đường