Thực thi TFA và các thông lệ quốc tế – Việt Nam cần có sự hỗ trợ kỹ thuật

Là một trong các quốc gia thành viên đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (TFA) trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thời gian qua Việt Nam đã thực hiện khá tốt các cam kết theo Hiệp định này góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, thông quan, giải phóng hàng hóa xuất nhập khẩu và quá cảnh.

Là thỏa thuận đa phương đầu tiên được ký kết trong lịch sử phát triển của WTO, TFA được tổ chức này thông qua năm 2013 hướng tới mục tiêu từng bước xóa bỏ các rào cản truyền thống, rào cản phi thuế quan đối với thương mại, đơn giản hóa và hài hòa hóa các thủ tục liên quan đến thương mại, đặc biệt là các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa và quản lý biên giới. Nếu các cam kết của Hiệp định được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ sẽ giúp giảm trung bình 14,3% chi phí giao dịch và thúc đẩy tăng trưởng thương mại toàn cầu lên tới 1.000 tỷ USD mỗi năm. Bên cạnh đó, TFA cũng được đánh giá có khả năng tiết kiệm 1,5 ngày thông quan hàng nhập khẩu (giảm 47% so với mức trung bình hiện nay) và tiết kiệm khoảng 2 ngày thông quan hàng hóa xuất khẩu (giảm 91%).

Về mặt cấu trúc, TFA có 3 phần chính với 24 điều quy định về các biện pháp kỹ thuật, tập trung vào các nội dung tiếp cận thông tin và tính minh bạch; quản lý các quy định pháp lý liên quan đến thương mại; thông quan hải quan và quá cảnh thương mại. Các cam kết cụ thể về nghĩa vụ của các nước thành viên quy định trong TFA (từ Điều 1 đến Điều 12 của Phần I hiệp định) được chia thành 3 nhóm gồm: nhóm A – thực hiện ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực; nhóm B – thực hiện sau một thời gian quá độ tính từ khi TFA có hiệu lực; nhóm C – cần một thời gian quá độ tính từ khi TFA có hiệu lực và và hỗ trợ xây dựng năng lực để thực hiện.

Kể từ sau khi TFA chính thức có hiệu lực (tháng 2/2017), Việt Nam đã tích cực thực thi các cam kết của Hiệp định. Đối với các cam kết Nhóm A, Việt Nam hoàn toàn tuân thủ và đang tiếp tục triển khai cùng với tiến trình cải cách, hiện đại hóa hải quan. Cụ thể, từ tháng 7/2017, Việt Nam đã xây dựng Cổng thông tin thương mại quốc gia cung cấp các thông tin liên quan tới quy định pháp lý và thủ tục hiện hành về thương mại, các văn bản pháp quy, thủ tục hành chính, hướng dẫn, biểu mẫu, giấy phép, và mức phí áp dụng…Ngoài ra nước ta còn tích cực triển khai các cam kết liên quan đến các vấn đề: tiếp cận thông tin và minh bạch; cơ chế khiếu nại; giải các cam kết liên quan tới duy trì thủ tục cho phép giải phóng nhanh hàng hóa; xử lý hồ sơ trước khi hàng đến; tự do quá cảnh… Đối với 14 cam kết Nhóm B và 9 cam kết Nhóm C, Chính phủ đã phê duyệt lộ trình thực hiện và thông báo tới WTO từ tháng 8/2018; đồng thời giao các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện nhằm nâng cao hơn nữa năng lực áp dụng, thực hiện cam kết. Song song đó các qui định pháp luật liên quan đến vấn đề thực thi TFA cũng đã được ban hành, bổ sung và sửa đổi cho phù hợp yêu cầu đặt ra.

Theo ghi nhận của ông Alistair Gall – Chuyên gia cấp cao của Dự án Tạo thuận lợi thương mại (do USAID Hoa Kỳ tài trợ), kể từ khi phê chuẩn TFA vào tháng 12/2015, Việt Nam đã thực hiện được nhiều nội dung đổi mới và sáng kiến để hợp lý hóa các thủ tục xuất nhập khẩu. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tuân thủ đầy đủ 25 điều khoản và điều khoản con của TFA và dự kiến thực hiện tiếp điều khoảng thứ 12. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam đã hoàn thành thực hiện khoảng 74% các cam kết TFA và hiện chỉ còn khoảng 13 điều khoản hoặc điều khoản con cần tiếp tục triển khai thực hiện.

Khẳng định Việt Nam đang đi đúng hướng để đảm bảo tuân thủ đầy đủ Hiệp định TFA song ông Alistair Gall cũng đồng thời khuyến nghị Việt Nam cần có sự hỗ trợ kỹ thuật nhằm đảm bảo thực hiện kịp thời TFA và áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất. Về phía Tổng cục Hải quan Việt Nam, ông Alistair Gall nhấn mạnh dù đã có nhiều tiến bộ áp trong dụng các biện pháp kiểm soát dựa trên rủi ro song Tổng cục Hải quan Việt Nam sẽ còn gặt hái được nhiều lợi ích hơn nếu mở rộng quản lý rủi ro tích hợp sang các thủ tục kiểm tra chuyên ngành và các biện pháp kiểm soát biên giới liên quan khác.

Còn theo đại diện Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong việc thực thi TFA do năng lực cán bộ và trình độ công nghệ của nước ta còn hạn chế, chưa thể đáp ứng được toàn bộ yêu cầu đổi mới và cải cách theo Hiệp định, đặc biệt là cải cách các thủ tục liên quan đến thương mại biên giới đòi hỏi sự tham gia không chỉ có cơ quan hải quan mà cả các cơ quan quản lý chuyên ngành khác. Đây thực sự là một rào cản rất lớn, đặt trong bối cảnh mức độ đồng bộ hóa hạ tầng công nghệ của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, năng lực đội ngũ cán bộ của mỗi cơ quan chức năng có liên quan đến vấn đề này lại không đồng đều. “Thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục rà soát và hoàn thiện pháp luật liên quan đến cam kết TFA, nhất là pháp luật về kiểm tra chuyên ngành để tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa; thực hiện hiệu quả hơn Cơ chế một cửa quốc gia để tối ưu hóa tạo thuận lợi thương mại; đồng thời đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro, thu hẹp danh mục kiểm tra chuyên ngành, chấm dứt tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu…” – đại diện Trung tâm WTO khuyến nghị.

Thành Trung