Robot Sophia bán tác phẩm nghệ thuật trong thị trường NFT

Sophia là một người máy có nhiều tài năng – biết nói, biết đùa, hát và thậm chí làm nghệ thuật. Vào tháng 3, cô đã gây xôn xao trong thế giới nghệ thuật khi một tác phẩm kỹ thuật số do cô tạo ra như một phần của sự hợp tác được bán trong một cuộc đấu giá với giá 688.888 đô la dưới dạng mã NFT (Non-fungible token), một loại tài sản số sử dụng công nghệ blockchain.

Thương vụ này nêu bật sự mua bán điên cuồng trên thị trường NFT, nơi mọi người có thể mua quyền sở hữu đối với nội dung kỹ thuật số. Mỗi NFT có một mã kỹ thuật số duy nhất được lưu trên sổ cái blockchain cho phép bất kỳ ai cũng có thể xác minh tính xác thực và quyền sở hữu của các mặt hàng.

 David Hanson, Giám đốc điều hành của Hanson Robotics có trụ sở tại Hồng Kông và là người sáng tạo ra Sophia, đã phát triển robot trong hai thập kỷ rưỡi qua. Ông tin rằng các robot trông giống như thực tế có thể kết nối với con người và hỗ trợ trong các ngành như chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Sophia là sáng tạo robot nổi tiếng nhất của Hanson Robotics, với khả năng bắt chước nét mặt, trò chuyện và nhận dạng con người. Năm 2017, cô được cấp quốc tịch Saudi Arabia, trở thành công dân rô bốt đầu tiên trên thế giới.

Hanson nói trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi đã hình dung Sophia như một tác phẩm nghệ thuật sáng tạo, có thể tạo ra nghệ thuật. Sophia là đỉnh cao của rất nhiều nghệ thuật và kỹ thuật, và ý tưởng rằng sau đó cô ấy có thể tạo ra nghệ thuật là một cách để cô ấy kết nối về mặt cảm xúc và thị giác với mọi người”.

Sophia đã hợp tác với nghệ sĩ người Ý Andrea Bonaceto, người đã vẽ những bức chân dung của Sophia. Sau đó, Sophia xử lý tác phẩm của mình thông qua mạng nơ-ron và tiếp tục tạo ra một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số của riêng mình. Tác phẩm kỹ thuật số được bán với giá 688.888 đô la có tên là “Sophia Instantiation” và là một tệp video dài 12 giây cho thấy bức chân dung của Bonaceto đang phát triển thành bức tranh kỹ thuật số của Sophia. Nó được đi kèm với các tác phẩm nghệ thuật do Sophia vẽ.

Việc bán tác phẩm nghệ thuật của Sophia dưới dạng NFT là một phần của xu hướng đang phát triển. Vào tháng 3, một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số của nghệ sĩ Beeple – tên thật là Mike Winkelmann – được bán với giá gần 70 triệu đô la, phá vỡ kỷ lục và trở thành tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số đắt nhất từng được bán.

Henri Arslanian, Nhà lãnh đạo tiền điện tử toàn cầu của PricewaterhouseCooper, nói rằng NFT cung cấp cho mọi người “quyền khoe khoang” về tài sản mà họ sở hữu.

Nó cũng cho phép nghệ thuật được bán mà không có nhà trung gian truyền thống, để các nghệ sĩ có thể kết nối trực tiếp với người mua mà không bị ràng buộc bởi các phòng trưng bày hoặc nhà đấu giá, Arslanian nói.

Sophia sẽ tiếp tục vẽ tranh, Hanson nói, và bước tiếp theo trong sự nghiệp của robot có thể là của một nhạc sĩ. Cô ấy đang thực hiện một số tác phẩm âm nhạc trong một dự án có tên là Sophia Pop, nơi cô ấy hợp tác với các nhạc sĩ con người để tạo ra âm nhạc và lời bài hát. Hanson nói: “Chúng tôi rất vui mừng về sự nghiệp nghệ sĩ của Sophia”.

Hùng Trần