Ngành gỗ và mục tiêu xuất khẩu 14-14,5 tỷ USD trong năm 2021- Nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ…
2 tháng đầu năm 2021, ngành gỗ và sản phẩm gỗ thiết lập kim ngạch xuất khẩu ấn tượng, tương đương 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2020. Điều này cũng đồng nghĩa với mục tiêu xuất khẩu cả năm đạt 14-14,5 tỷ USD là hoàn toàn nằm trong tầm tay nếu ngành gỗ duy trì được đà tăng trưởng hiện nay. Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế nhận định các con số này vẫn ẩn chứa các khía cạnh chưa bền vững.
Chia sẻ cụ thể hơn về sự “chưa bền vững” của ngành gỗ tại Hội nghị giao ban đánh giá kết quả năm 2020 và bàn giải pháp đạt mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2021 tổ chức tại Tp.Quy Nhơn – tỉnh Bình Định, ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết hiện ngành gỗ đang phải đối mặt với các vụ kiện và gian lận thương mại với số lượng ngày càng tăng và tính chất ngày càng phức tạp. Chưa kể Chính phủ Hoa Kỳ đang điều tra mặt hàng gỗ dán nói riêng và cả ngành gỗ Việt Nam nói chung theo điều khoản 301; tình trạng gian lận thương mại, gian lận xuất xứ đối với mặt hàng gỗ xuất khẩu từ Việt Nam vẫn diễn ra như cơm bữa; đi kèm đó là hiện tượng đầu tư chui, đầu tư núp bóng vẫn còn tồn tại.
Ông Lập cho biết nhằm giảm thiểu rủi ro cho các hoạt động đầu tư FDI vào ngành gỗ, trên cơ sở văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi UBND các tỉnh, hiện Ban chính sách của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam đang phối hợp với các hiệp hội xây dựng bản tiêu chí làm nền cho các hiệp hội trong cả nước tham gia góp ý cho các dự án đầu tư FDI vào ngành gỗ trong trường hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh cần tham vấn. Nỗ lực này nhằm tránh tình trạng mỗi hiệp hội ở các địa phương tham vấn theo một tiêu chí khác nhau. “Chính phủ cũng cần thiết lập cơ chế kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng trốn xuất xứ, gian lận thương mại, đầu tư núp bóng. Về phía Nhóm hành động (gồm đại diện của cơ quan Hải quan, Tổng cục Lâm nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam) có trách nhiệm xác định các công ty, mặt hàng có dấu hiệu rủi ro gian lận để từ đó kiến nghị các biện pháp xử lý triệt để “ – người đứng đầu Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam kiến nghị.
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết đi qua năm 2020 nhiều thách thức, nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ vẫn đạt 13,23 tỷ USD, tăng 16,9% so với năm 2019, đóng góp 31% tổng giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp, đạt gần 5% tổng giá trị xuất khẩu của quốc gia. Xuất siêu toàn ngành cả năm đạt 10,5 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2019.
Bước sang năm 2021, ngành gỗ phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 14-14,5 tỷ USD và để hoàn thành mục tiêu này đòi hỏi phải giải quyết tốt bài toán về nguồn nguyên liệu (nâng cao chứng chỉ quản lý rừng bền vững đối với nguồn nguyên liệu gỗ trong nước; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, đảm bảo tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu nhập khẩu…). Đặt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và thời đại công nghệ số, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trên diện rộng hơn, thiết lập các chương trình thị trường số để kết nối với thế giới và kết nối ngay các doanh nghiệp trong nước với nhau. Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất, trong công tác quản lý chuỗi cung ứng cũng như ứng dụng các thành quả mới về công nghệ tự động trong điều hành và sản xuất trực tiếp.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, một trong những ưu tiên của doanh nghiệp ngành gỗ hiện nay là phải phát triển hài hòa, đa dạng các quan hệ quốc tế để giữ thị trường thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết cũng như các hiệp định thương mại song phương với các thị trường lớn, nhất là thị trường Hoa Kỳ. “Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Hoa Kỳ đạt 7,412 tỷ USD trong năm 2020 và 3 tháng đầu 2021 tăng tới 36 – 37% so với cùng kỳ. Nếu thị trường xuất khẩu chủ lực này có vướng mắc gì thì Nhà nước phải đứng ra tháo gỡ, xử lý triệt để. Từng doanh nghiệp, hiệp hội phải chấp hành nghiêm pháp luật, quy định của hai bên nhưng bản thân họ chắc không làm được tất cả” – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định.
Thành Nam