Kinh tế toàn cầu phục hồi vững chắc trong năm 2021 nhờ có Vaccine Covid-19
Theo Hội nghị của Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), nền kinh tế toàn cầu đang trên đà hướng tới sự phục hồi vững chắc trong năm nay khi vaccine ngừa Covid-19 và các chính sách mở rộng tài khóa giúp khắc phục những thiệt hại do đại dịch gây ra.
Báo cáo của UNCTAD cho hay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ tăng 4,7% vào năm 2021, phục hồi từ mức sụt giảm hàng năm mạnh nhất kể từ Thế chiến II là 3,9% trong năm ngoái.
UNCTAD cũng lưu ý, với mức thu hẹp trên, nền kinh tế toàn cầu đã mất đi khoảng 255 triệu việc làm toàn thời gian và không có khu vực nào không chịu thiệt hại.
Theo UNCTAD, các ngân hàng trung ương đã có những phản ứng nhanh chóng vào đầu cuộc khủng hoảng. Những động thái này giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt thanh khoản và xoa dịu tâm lý các nhà đầu tư.
Báo cáo khẳng định, việc các ngân hàng sẵn sàng duy trì xu hướng chính sách tiền tệ mở đã giúp các thị trường tài chính phục hồi nhanh chóng từ mức thấp của giai đoạn tháng 3- 4/2020. Từ đó, nhiều thị trường đã kết thúc năm 2020 ở mức cao nhất mọi thời đại.
Cũng theo UNCTAD, các quốc gia giải quyết cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra bằng các chương trình tiền tệ, tài khóa và triển khai tiêm chủng nhanh chóng có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế mạnh nhất trong năm nay. Sự phục hồi này được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở cả những nền kinh tế phát triển và đang phát triển.
Báo cáo dự kiến, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 8,1% do Bắc Kinh tiếp tục thành công trong việc ngăn chặn đại dịch lây lan và đẩy nhanh chương trình tiêm chủng trong nước. Ấn Độ và Hàn Quốc cũng sẽ phục hồi mạnh sau giai đoạn suy thoái, trong khi tốc độ tăng trưởng của Brazil được dự báo sẽ tụt hậu so với các quốc gia đang phát triển khác.
GDP của Mỹ có thể sẽ tăng 4,5% vào năm nay nhờ gói cứu trợ 1.900 tỷ USD của Chính phủ và việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) quyết tâm giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục. Tuy nhiên, UNCTAD cũng cảnh báo về những rủi ro và sự xuất hiện của “bong bóng Covid-19” trên thị trường chứng khoán Mỹ có thể tạo ra “nguy cơ sụp đổ tài chính” cho nước này.
Tăng trưởng của Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) ước vào khoảng 4% trong năm 2021. Nhưng các quốc gia châu Âu nhiều khả năng gặp khó trong giai đoạn đầu năm, tùy thuộc vào các phản ứng tài khóa và chương trình tiêm chủng được triển khai ra sao.
Ngoài ra, UNCTAD cũng đề cập rằng, việc Vương quốc Anh nhanh chóng tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 sẽ giúp GDP của nước này tăng 4,4% trong năm nay, sau khi sụt giảm gần 10% vào năm 2020.
Tuy nhiên, trong dài hạn, cơ quan của Liên hợp quốc cảnh báo các nước cần thận trọng về những chính sách có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và thúc đẩy bất ổn tài chính.
Báo cáo UNCTAD nêu rõ, trừ khi có một quyết tâm thay đổi trong định hướng chính sách, nền kinh tế thế giới sẽ mất hơn một thập kỷ để trở lại mức trước đại dịch.
Thùy Linh