Nhiều doanh nghiệp công nghệ cao chuẩn bị đầu tư vào Việt Nam
Tại buổi tọa đàm về các thành tựu của Intel tại Việt Nam giai đoạn 2010-2020 diễn ra vào chiều 17/3 tại TP.HCM, các lãnh đạo TP.HCM và Tổng Giám đốc Intel Products Việt Nam đánh giá Việt Nam đang có lợi thế rất lớn so với các quốc gia trong khu vực trong việc thu hút dòng FDI công nghệ cao.
Phó Chủ tịch phụ trách Sản xuất, Tổng Giám đốc Intel Products Việt Nam Kim Huat Ooi, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng và Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) Nguyễn Anh Thi đã có nhiều chia sẻ về hành trình phát triển của doanh nghiệp cũng như triển vọng về đầu tư tại Việt Nam của Intel nói riêng và dòng vốn FDI công nghệ cao nói chung tại TP.HCM.
Trên cương vị là một người bạn đồng hành với Intel ngay từ những ngày đầu tiên doanh nghiệp có ý định đầu tư vào Việt Nam, GS Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Intel hoàn hoàn có thể tự hào về kết quả doanh nghiệp đã đạt được trong 15 năm qua, trở thành một trong những doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu cao nhất tại Việt Nam trong nhiều năm và cả trong tương lai.
Chia sẻ về kế hoạch mở rộng đầu tư của Intel tại Việt Nam, ông Kim Huat Ooi cho biết cùng với phần vốn đầu tư 1,04 tỷ USD ban đầu cho dự án láp ráp và kiểm định (ATM), gần đây, khi Intel giao các công nghệ tiên tiến nhất cho nhà máy Intel tại Việt Nam đã tạo ra những cơ hội cũng như triển vọng phát triển đầu tư vào sản xuất, lắp ráp cho thị trường này.
“Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tìm kiếm các cơ hội để phát triển hơn nữa mạng lưới các nhà cung ứng trong nước, các đối tác để tạo ra một hệ sinh thái, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các giá trị gia tăng trong quá trình mở rộng và đầu tư vào dự án ATM tại Việt Nam”, Tổng Giám đốc Intel Việt Nam khẳng định.
Ông cũng cho biết Việt Nam đang nắm giữ nhiều lợi thế so với các thị trường khác trong khu vực, đặc biệt là sau kết quả kiểm soát tích cực đại dịch Covid-19. Đây được xem là một tiền đề tốt cho những năm tiếp theo để các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam có lợi thế khá lớn về con người với gần 100 triệu dân, từ đó đảm bảo vị thế cạnh tranh với khả năng cung ứng một nguồn nhân lực có tiềm năng, tay nghề cao.
“Nhìn lại thời điểm Intel đầu tư vào Việt Nam, tầm nhìn và sự ủng hộ của lãnh đạo TP.HCM có vai trò rất quan trọng đối với sự thành công của chúng tôi. Những tầm nhìn này sẽ trở thành động lực lớn cho hoạt động đầu tư FDI tại TP.HCM và Việt Nam. Tôi tin rằng có rất nhiều doanh nghiệp đang nhìn vào Việt Nam và chuẩn bị gõ cửa để đầu tư”, ông Kim Huat Ooi nói thêm.
Thành phố Thủ Đức phát triển hạ tầng để thu hút FDI
Chia sẻ về những chính sách riêng của TP Thủ Đức đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết sẽ khuyến khích đầu tư, mở rộng nhiều hơn nữa các dự án phát triển hạ tầng có hàm lượng về đổi mới, sáng tạo và phát triển khoa học.
“Chúng tôi hy vọng nhận được những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, tập đoàn, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn trong địa bàn TP để cùng giúp lãnh đạo TP Thủ Đức hiện thực hóa tầm nhìn và kế hoạch phát triển Thủ Đức trở thành TP năng động, đổi mới, sáng tạo, thông minh và là trung tâm về khoa học công nghệ”, ông Hoàng Tùng nhấn mạnh.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM cho rằng sự ổn định của chính trị, nền kinh tế vĩ mô, việc kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 cũng như sự có mặt của các tập đoàn lớn như Intel đã tạo tiền đề rất lớn cho Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn FDI chất lượng.
“Chúng ta đang đứng trước cơ hội rất lớn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chính vì vậy, Việt Nam cần nhanh chóng, quyết liệt nắm bắt cơ hội, không để tuột mất một lần nữa. Bên cạnh đó, tầm nhìn của lãnh đạo Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng hiện nay cũng là một yếu tố rất hấp dẫn trong việc thu hút thêm các nhà đầu tư bước vào thị trường”, ông Nguyễn Anh Thi nhận định.
Hơn 15 năm trước, tập đoàn Intel là công ty Mỹ đầu tiên công bố đầu tư dự án trị giá 1,04 tỷ USD vào khu CNC TP.HCM, đánh dấu sự bắt đầu cho ngành công nghệ bán dẫn có mặt tại Việt Nam. Ngày nay, dự án đã hình thành hoàn chỉnh và là một nhà máy chế tạo công nghệ cao tầm cỡ thế giới, ứng dụng công nghệ hiện đại nhất, mở ra nhiều cơ hội cho Intel và Việt Nam trong 15 năm qua và trong nhiều năm tới. Tính đến nay, nhà máy Intel đã đầu tư tổng số vốn 1,5 tỷ USD tại Việt Nam.
Riêng trong năm 2020, mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid-19, giá trị xuất khẩu của nhà máy vẫn đạt trên 13 tỷ USD, chiếm 70% giá trị xuất khẩu của khu CNC và 30% tổng giá trị xuất khẩu của TP.HCM.
Anh Đức