Chính phủ An Độ đề xuất luật cấm tiền điện tử và phạt người giao dịch
Ấn Độ dự kiến sẽ đề xuất đạo luật cấm tiền điện tử, phạt tiền bất kỳ ai giao dịch hoặc thậm chí nắm giữ các tài sản kỹ thuật số như vậy trong bối cảnh hàng triệu nhà đầu tư đang đổ dồn vào loại tài sản nóng này.
Nếu được ban hành thành luật, đây sẽ là một trong những chính sách nghiêm ngặt nhất thế giới đối với tiền điện tử hay tiền kỹ thuật số. Nó sẽ hình sự hóa việc sở hữu, phát hành, khai thác, giao dịch và chuyển tiền điện tử, một quan chức chính phủ cấp cao cho biết, theo Reuters.
Biện pháp này được coi là phù hợp với chương trình nghị sự vào tháng 1 của chính phủ ông Narendra Modi, theo đó kêu gọi cấm các loại tiền điện tử tư nhân như Bitcoin trong khi nhà nước xây dựng khuôn khổ cho một loại tiền kỹ thuật số chính thức.
Dự luật sẽ cho người sở hữu tiền điện tử tối đa sáu tháng để thanh lý hết số tiền đang nắm giữ, vị quan chức cho biết, yêu cầu giấu tên vì nội dung của dự luật chưa được công khai.
Các quan chức tự tin về việc dự luật sẽ được thông qua khi chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi chiếm đa số với tỷ lệ lớn trong Quốc hội.
Nếu lệnh cấm trở thành luật, Ấn Độ sẽ là nền kinh tế lớn đầu tiên biến việc nắm giữ tiền điện tử là bất hợp pháp. Ngay cả Trung Quốc, quốc gia đã cấm khai thác và buôn bán tiền điện tử, cũng không phạt hành vi tàng trữ.
Bitcoin đã đạt mức cao kỷ lục hơn 60.000 đô la Mỹ vào thứ Bảy tuần qua, tăng gần gấp đôi giá trị trong năm nay do việc chấp nhận thanh toán đã tăng lên nhờ sự đồng thuận từ những người ủng hộ nổi tiếng như CEO Tesla Elon Musk.
Tại Ấn Độ, bất chấp những lời đe dọa của chính phủ về lệnh cấm sắp tới, khối lượng giao dịch vẫn đang tăng lên và 8 triệu nhà đầu tư hiện nắm giữ khối lượng tiền điện tử tương đương 100 tỷ rupee (1,4 tỷ đô la Mỹ), theo ước tính của ngành. Hiện không có dữ liệu chính thức.
Sumnesh Salodkar, một nhà đầu tư tiền điện tử cho biết: “Số tiền đang sinh sôi nhanh chóng hàng tháng và bạn không muốn ngồi ngoài lề. Mặc dù mọi người đang lo sợ do lệnh cấm có thể xảy ra, nhưng lòng tham vẫn tiếp tục thúc đẩy họ lựa chọn tham gia vào thị trường này”.
Gaurav Dahake, Giám đốc điều hành sàn giao dịch tiền điện tử địa phương Bitbns cho biết lượng đăng ký người dùng và dòng tiền tại đây đã tăng gấp 30 lần so với một năm trước. Unocoin, một trong những sàn giao dịch lâu đời nhất của Ấn Độ, đã có thêm khoảng 20.000 người dùng mới vào tháng 1 và tháng 2 bất chấp lo ngại về lệnh cấm.
Các quan chức hàng đầu của Ấn Độ đã gọi tiền điện tử là “kế hoạch Ponzi”. Một quan chức cấp cao nói với Reuters rằng kế hoạch của chính phủ là cấm các loại tiền điện tử tư nhân trong khi thúc đẩy blockchain – một công nghệ cơ sở dữ liệu an toàn và là xương sống cho tiền điện tử, nhưng cũng là một hệ thống mà các chuyên gia cho rằng có thể cách mạng hóa các giao dịch quốc tế.
Trước đó, vào năm 2019, một hội đồng chính phủ đã đề xuất án tù lên đến 10 năm đối với những người khai thác, tạo ra, nắm giữ, bán, chuyển nhượng, xử lý, phát hành hoặc giao dịch tiền điện tử.
Quan chức này từ chối cho biết liệu dự luật mới có bao gồm các điều khoản tù cũng như tiền phạt như thế nào, nhưng cho biết các cuộc thảo luận đang trong giai đoạn cuối cùng.
Vào tháng 3 năm 2020, Tòa án tối cao Ấn Độ đã đã bác bỏ lệnh năm 2018 của ngân hàng trung ương cấm các ngân hàng giao dịch tiền điện tử, khiến các nhà đầu tư đổ xô vào thị trường. Tòa án đã yêu cầu chính phủ phải có quan điểm và soạn thảo luật về vấn đề này.
Tháng trước, ngân hàng trung ương Ấn Độ tiếp tục lên tiếng quan ngại rằng tiền điện tử sẽ gây ra rủi ro đối với sự ổn định tài chính. Đồng thời, ngân hàng trung ương đang làm việc để tung ra đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình, một bước đi mà dự luật của chính phủ cũng sẽ khuyến khích, quan chức này cho biết.
Phương Vy