Các chuyên gia cảnh báo rủi ro gia tăng bong bóng tài sản
Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, trong năm 2020 vừa qua các chính sách hỗ trợ đã được Chính phủ Việt Nam quyết liệt triển khai thông qua các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ kinh tế hay đẩy nhanh đầu tư công. Dòng tiền bắt đầu hướng nhiều hơn vào các tài sản tài chính như: chứng khoán, trái phiếu, bất động sản… Tuy nhiên bên cạnh hiệu quả mang lại, giá tài sản tăng quá nhanh cũng gây ra nhiều hệ lụy?
Một số kênh đầu tư tăng trưởng “nóng”
Thời điểm trước khi có quy định siết phát hành riêng lẻ của Bộ Tài chính, mệnh giá trái phiếu đã có sự gia tăng đột biến. Còn chứng khoán gần đây đã trở thành một trong những chủ đề được bàn tán nhiều nhất, sức hút đầu tư chứng khoán theo đó cũng tăng nhiệt hơn bao giờ hết. Các kỷ lục mới về số lượng tài khoản, giá trị giao dịch mỗi phiên và cả mức tăng của chỉ số cũng đã được thiết lập khi dòng tiền và lớp nhà đầu tư mới ồ ạt đổ vào thị trường. Mặc dù tăng trưởng của nền kinh tế đạt mức thấp nhất sau nhiều thập kỷ trở lại đây song VN-Index vẫn có một năm nhiều dấu ấn. Đến cuối tháng 1/2020, khi chứng khoán có xu hướng chững lại thì bất động sản mới được dự báo là tài sản tăng giá nhanh trong thời gian tới.
Theo PGS.TS Tô Trung Thành – Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, lo ngại về rủi ro bong bóng tài sản là hoàn toàn có căn cứ. Năm 2020, tổng phương tiện thanh toán tăng đến 12,56% nhờ hạ lãi suất và nới lỏng tiền tệ; trong khi đó tín dụng chỉ tăng hơn 10%, kinh tế tăng thấp 2,91%. “Thông qua những con số này cũng phần nào cho thấy việc cắt giảm lãi suất và nới lỏng tiền tệ cũng mang đến những tác động tiêu cực, chưa phát huy được vai trò động lực thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Nguyên nhân có thể do khả năng hấp thụ vốn còn yếu và một phần dòng vốn đã chuyển sang trú ẩn ở các thị trường tài sản” – ông Thành nhấn mạnh.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Viện trưởng Viện Công Nghệ Tài Chính (Đại học Kinh Tế Tp.HCM), một trong những yếu tố trợ lực quan trọng nhất trong năm 2021 này chính là những chính sách “giải cứu” nền kinh tế được đưa ra từ năm ngoái. Những chính sách này được ví như “liều thuốc bổ”, tuy nhiên do kinh tế năm 2020 còn ốm yếu nên chưa thể hấp thụ hết được những dưỡng chất thiết yếu này. Chỉ đến khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi, hiệu quả hấp thu dòng vốn này mới tăng lên, kích thích sức mua và tạo động lực thúc đẩy khu vực sản xuất trở lại.
“Câu hỏi đặt ra ở đây là động lực của kinh tế có thực sự chảy vào kênh sản xuất không hay lại chảy vào đầu cơ tài sản? Tiềm năng tăng trưởng kinh tế trong năm nay là rất lớn, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều những rủi ro tiềm ẩn dẫn đến sự bất ổn của nền kinh tế vĩ mô. Khi dòng tiền đã có sẵn ở các đường truyền dẫn và chỉ đợi chảy vào các kênh đầu cơ mà chúng ta không thể điều chỉnh hướng của dòng chảy này thì hậu quả nhãn tiền là nền kinh tế sẽ bị nhấn chìm trong “cơn lũ tiền” – ông Bảo cảnh báo.
Cẩn trọng và sáng suốt
Theo khuyến nghị của TS Hồ Quốc Tuấn – Giảng viên Đại học Bristol (Anh), Chính phủ nên để thị trường vận hành theo cách riêng của nó; còn về phía người dân có quyền lựa chọn tham gia vào kênh đầu tư nào họ cảm thấy phù hợp và mang lại hiệu quả. Tuy nhiên trước rủi ro từ việc gia tăng giá tài sản quá nhanh, một số kênh đầu tư quá nóng, ông Tuấn cho rằng thay vì triển khai các biện pháp hành chính thì việc triển khai đồng bộ các biện pháp kỹ thuật để siết dòng vốn vào các kênh đầu cơ tài chính sẽ phát huy hiệu quả hơn
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo cũng cho rằng cần phải kỹ lưỡng và có thời gian quan sát chứ không nên vội vã đưa ra kết luận ngay cũng như áp dụng các biện pháp hành chính. Hiện nay là thời điểm “sai một ly sẽ đi một dặm” với điều hành vĩ mô. “Để đảm bảo không làm đứt gãy các động lực tăng trưởng, chúng ta cần tiếp tục tạo bầu không khí hứng khởi, lạc quan từ tiêu dùng và đầu tư. Điều quan trọng là chúng ta phải quan sát chặt chẽ xu hướng dịch chuyển dòng vốn. Mặc dù cơ quan quản lý nắm cụ thể lịch trình di chuyển của dòng vốn cũng như có các biện pháp để nắn dòng chảy song quan trọng là thời điểm” – ông Bảo nhấn mạnh.
Còn TS Tô Trung Thành lại lưu ý ổn định vĩ mô và các chính sách đều phải được đặt lên hàng đầu. Để tăng cường năng lực chống chọi với đại dịch có thể kéo dài, Việt Nam vẫn cần thực thi các chính sách nới lỏng hỗ trợ. Tuy nhiên cần phải rất thận trọng do các dư địa không nhiều, những rủi ro bong bóng tài sản có thể gia tăng.
Ngọc Việt