Biết khó thoát khỏi “danh sách đen” của Mỹ, Huawei tích cực tìm kiếm các cơ hội mới để tồn tại

Sau khi hứng chịu một loạt đòn trừng phạt từ Mỹ, đề bù đắp cho sự sụt giảm về doanh thu, Huawei đã chuyển hướng sang đầu tư một dự án mới là trang trại cá khổng lồ nằm ở phía đông Trung Quốc…

Trang trại “ông lớn” viễn thông Trung Quốc đầu tư có diện tích lớn gấp 2 lần công viên Central Park (New York, Mỹ) và được bao quanh bởi hàng chục nghìn tấm pin năng lượng mặt trời, sử dụng inverter (biến tần) của Huawei để bảo vệ đàn cá khỏi ánh nắng gay gắt, đồng thời tạo ra điện năng phục vụ mọi hoạt động tại đây

Cách đó 600km về phía tây của tỉnh Sơn Tây, cảm biến không dây và máy ảnh của Huawei được đặt sâu dưới lòng đất để theo dõi lượng oxy cũng như tiềm năng khai thác trong các mỏ than đá. Sắp tới, một mẫu xe điện hoàn toàn mới được trang bị cảm biến Lidar (cảm biến độ sâu và khoảng cách) cũng sẽ được Huawei giới thiệu tại triển lãm ô tô lớn nhất Trung Quốc

Từng là nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, vài năm gần đây Huawei đã trở thành nạn nhân của thương chiến Mỹ – Trung và phải hứng chịu một loạt lệnh trừng phạt từ Mỹ nhằm vào mảng kinh doanh tiêu dùng, hậu quả là một loạt đối tác từ Mỹ đã từ chối hợp tác với hãng do lệnh cấm vận từ Chính phủ. Đặc biệt với việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục coi Huawei là “mối nguy đến an ninh quốc gia”, tỷ phú Nhậm Chính Phi – người sáng lập Huawei đã quyết định đưa tập đoàn chuyển hướng phát triển, tập trung vào khách hàng doanh nghiệp trong các lĩnh vực như giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp. …

Không chỉ là nhà cung cấp inverter lớn nhất thế giới, “ông lớn” viễn thông Trung Quốc còn đẩy mạnh phát triển dịch vụ điện toán đám mây và các giải pháp phân tích dữ liệu nhằm đa dạng hóa và gia tăng nguồn thu, đảm bảo công ăn việc làm cho 190.000 nhân viên trên toàn cầu. “Huawei khó lòng thoát khỏi “danh sách đen” của Mỹ. Chính vì vậy ngay bây giờ, chúng tôi phải nỗ lực nhiều hơn nữa cũng như tích cực tìm kiếm những cơ hội mới để tồn tại” – tỷ phú Nhậm Chính Phi chia sẻ tại buổi khai trương phòng thí nghiệm khai thác mỏ do Huawei tài trợ

Không phải đến khi chịu đòn trừng phạt của Mỹ, Huawei mới đi tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới mà từ nhiều năm qua, “ông lớn” viễn thông Trung Quốc đã luôn vươn ra thử sức mình trên nhiều địa hạt mới, bên cạnh lĩnh vực cốt lõi là thiết bị viễn thông và smartphone. Tuy nhiên chỉ đến khi  doanh thu điện thoại của Huawei sụt giảm tới 42% trong 3 tháng cuối năm 2020 do ảnh ưởng sắc lệnh của cựu Tổng thống Donald Trump, hãng mới chú trọng nhiều hơn đến việc phát triển các lĩnh vực mới tiềm năng.

Chính quyền Tổng thống Biden mới đây cũng đã thông báo cho các nhà cung cấp về siết điều kiện với các giấy phép xuất khẩu đã được phê duyệt trước đó. Động thái này được cho là nhằm vào các sản phẩm sử dụng trong công nghệ 5G hoặc thiết bị 5G. Tuy nhiên lệnh cấm của Mỹ không tác động nhiều đến các mảng kinh doanh mới của Huawei do hầu hết linh kiện quan trọng đều có thể sản xuất tại Trung Quốc. Được biết để đáp ứng nhu cầu từ các công ty như Huawei, các hãng địa phương đang tích cực sử dụng các công nghệ mà Washington vẫn chưa cấm vận. Hiện nay mỗi inverter của Huawei có giá bán hơn 20.000 nhân dân tệ và hãng cũng đang lên kế hoạch tung ra nhiều dòng inverter điện mặt trời hơn nữa nhằm đón đầu xu thế phát triển năng lượng tái tạo của chính quyền Bắc Kinh.

Mặc dù phủ nhận việc tự sản xuất xe điện song Huawei đang làm việc với một số hãng xe để thử nghiệm công nghệ tự lái và xe kết nối, có sự tương tác giữa người – xe. Tính năng vượt trội này có thể được đưa vào xe của Mercedes-Benz. Huawei cũng đang hợp tác với các hãng xe điện nội địa (BAIC BluePark New Energy Technology) để phát triển hệ thống xe thông minh và thành quả đầu tiên cho cái “bắt tay” chiến lược này là dòng xe Arcfox αS HBT sẽ ra mắt tại Triển lãm Ô tô Thượng Hải vào tháng 4/2021.

Một sáng kiến khác của Huawei có tên 5GtoB triển khai ứng dụng công nghệ 5G tại các lĩnh vực từ chăm sóc y tế cho đến sản xuất máy bay. Hãng đã giúp Trung Quốc xây dựng mạng lưới 5G lớn nhất thế giới, cung cấp hơn nửa trạm BTS trên khắp đất nước này và hiện tại họ muốn dùng 5G để hỗ trợ các doanh nghiệp chịu tác động từ đại dịch. Cụ thể Huawei đã ký hơn 1.000 hợp đồng 5GtoB trong hơn 20 lĩnh vực, trong đó giáo dục trực tuyến, giải trí và giao thông là ba trong các lĩnh vực hãng có kế hoạch thâm nhập. Đến nay việc áp dụng 5G trong khai mỏ, y tế và sản xuất tại Trung Quốc đang ngày càng rõ ràng hơn, một số ứng dụng có thể được triển khai trên toàn quốc.

Được biết ông Nhậm Chính Phi sẽ đích thân phụ trách việc mở rộng hệ thống khai thác mỏ, khởi đầu bằng việc gặp gỡ các quan chức địa phương và kiểm tra mỏ than tại tỉnh Sơn Tây. “Hầu hết công ty công nghệ không nghĩ khai thác mỏ là lĩnh vực họ có thể tạo đột phá cho thị trường nhưng chúng tôi đã làm được. Trung Quốc có khoảng 5.300 mỏ than, 2.700 mỏ quặng. Nếu chúng tôi phục vụ tốt hơn 8.000 mỏ này, chúng tôi có thể mở rộng dịch vụ ra bên ngoài Trung Quốc” – người sáng lập Huawei nhấn mạnh

Theo nhà phân tích tại Forrester Research – ông Charlie Dai, căng thẳng chính trị vẫn đang phủ bóng lên hoạt động của Huawei và các công ty Trung Quốc khác. Trong bối cảnh đó, đầu tư chiến lược vào các công nghệ mới được xem là chìa khóa mở ra cánh cửa tăng trưởng bền vững cho họ.

Ngọc Hoàng