Giáo hoàng Francis công du Iraq
Giáo hoàng Francis, người đang thực hiện chuyến đi đầu tiên của một giáo hoàng tới Iraq, đã đưa ra lời kêu gọi đầy kiên nhẫn vào thứ Sáu về việc chấm dứt bạo lực và xung đột tôn giáo đã gây ra cho đất nước trong nhiều thập kỷ, nói rằng các nhà xây dựng hòa bình cuối cùng cũng nên được trao cho một cơ hội. Phát biểu trước Tổng thống Iraq Barham Salih, các chính trị gia và nhà ngoại giao tại dinh tổng thống, Giáo hoàng nói: “Tôi cầu nguyện các cuộc đụng độ vũ khí sẽ kết thúc… các hành động bạo lực và chủ nghĩa cực đoan sẽ chấm dứt”.
Giáo hoàng đến sân bay Baghdad trong tình trạng an ninh thắt chặt, sau khi nói với các phóng viên trên máy bay rằng ngài cảm thấy có trách nhiệm phải thực hiện chuyến đi “mang tính biểu tượng” vì đất nước “đã tử đạo trong nhiều năm”.
Hàng trăm người đã tụ tập thành từng cụm nhỏ để xem Giáo hoàng tiến vào Baghdad bằng chiếc BMW chống đạn, khác với hình ảnh thông thường khi ngài thường sử dụng những chiếc xe nhỏ, bình dân.
Một đoàn xe hàng chục chiếc tháp tùng ông ra khỏi khuôn viên sân bay, nơi gần đây đã bị bắn tên lửa từ các nhóm dân quân. Hầu hết những người dọc các con đường và thậm chí một số người trong phủ tổng thống đều không đeo khẩu trang, bất chấp nguy cơ nhiễm COVID-19.
Trong bài phát biểu tại phủ tổng thống,Giáo hoàng đã chỉ trích các lợi ích bè phái và của các nước bên ngoài đã gây bất ổn cho Iraq và khu vực rộng lớn hơn và tác động nặng nề nhất đến người dân bình thường.
An ninh của Iraq đã được cải thiện kể từ sau khi Nhà nước Hồi giáo bị đánh bại vào năm 2017, nhưng quốc gia này vẫn tiếp tục là vũ đài để dàn xếp tỷ số toàn cầu và khu vực, đặc biệt là cuộc đối đầu gay gắt giữa Mỹ và Iran đã diễn ra trên đất Iraq. Cuộc xâm lược của Mỹ năm 2003, sau nhiều năm bị trừng phạt quốc tế và cuộc chiến tàn khốc với Iran do cựu lãnh đạo Saddam Hussein xúi giục vào những năm 1980, đã đẩy Iraq vào cuộc xung đột giáo phái và sự quản lý yếu kém kéo dài từ đó.
Chuyến công du “tốc hành” của Giáo hoàng sẽ được thực hiện bằng máy bay, trực thăng và ô tô đến bốn thành phố, bao gồm cả những khu vực mà hầu hết các chức sắc nước ngoài không thể tiếp cận, chứ chưa nói là trong một khoảng thời gian ngắn như vậy.
Ông sẽ dự thánh lễ tại một nhà thờ ở Baghdad, gặp giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi’ite hàng đầu của Iraq ở thành phố Najaf, miền nam nước này và đi về phía bắc tới Mosul, nơi quân đội phải đổ ra đường vì lý do an ninh vào năm ngoái cho chuyến thăm của thủ tướng Iraq. Mosul là thành trì trước đây của Nhà nước Hồi giáo IS, và các nhà thờ cũng như các tòa nhà khác ở đó vẫn mang dấu vết của cuộc xung đột. Giáo hoàng cũng sẽ đến thăm Ur, nơi sinh của nhà tiên tri Abraham, người được các tín đồ Thiên chúa giáo, Hồi giáo và Do Thái tôn kính, và gặp gỡ giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi’ite hàng đầu được tôn kính của Iraq, Grand Ayatollah Ali al-Sistani, 90 tuổi.
Minh Thư