Chủ tịch FED và những tình huống khó khăn tại phiên điều trần
Theo kế hoạch trong 2 ngày 23 và 24/2, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell sẽ có mặt tại hai phiên điều trần trước các Hội đồng của Thượng viện và Hạ viện về chính sách tiền tệ của cơ quan này trong 6 tháng đầu năm. Sự xuất hiện của Chủ tịch FED rất được mong đợi, đặt trong bối cảnh thị trường tài chính những ngày gần đây vô cùng hỗn loạn…

Theo nhà kinh tế trưởng tại PGIM Fixed Income – ông Nathan Sheets, mọi chuyện sẽ trở nên kịch tính hơn và ông Jerome Powell đang thực sự ở trong một tình thế hết sức khó khăn. Điểm nổi bật trên thị trường hiện nay là sự gia tăng lợi suất của trái phiếu chính phủ, đặc biệt là sự chênh lệch xa hơn trên đường cong lãi suất. Tại phiên giao dịch cuối tuần trước, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm đi ngang thì trái phiếu loại 5 năm đã tăng gần 0,25%. Riêng lợi suất trái phiếu loại 10 năm đã tăng 0,41% để chạm mốc 1,34% của năm 2020, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra; còn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm tăng mạnh hơn với 0,5% lên 2,14%.
Với tư cách là Chủ tịch FED, ông Powell đang phải đối mặt với một tình huống hết sức khó khăn: lãi suất trái phiếu tăng có thể là tín hiệu cho thấy sự gia tăng lạm phát của nền kinh tế Mỹ. Nếu xu hướng này vượt ngoài tầm kiểm soát, FED buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn so với mong đợi của thị trường để bù đắp một phần lợi ích của việc tăng lãi suất.
“Nếu phiên điều trần diễn ra, tôi nghĩ ông Powell sẽ hài lòng với những gì đang diễn biến ở nền kinh tế và thị trường hiện nay. Tuy nhiên do tiến trình này đang diễn ra một cách công khai nên ông ấy phải cẩn thận. Nếu Chủ tịch FED quá lạc quan về việc tăng lãi suất, thị trường sẽ coi đó là “đèn xanh” để tiếp tục đẩy cao lãi suất” – ông Nathan Sheets nhấn mạnh.
Trong năm qua, FED đã tiến hành các chính sách tiền tệ lỏng lẻo chưa từng có trong lịch sử thông qua giảm lãi suất xuống gần 0 và mua ít nhất 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng. Tất cả những nỗ lực này đều nằm trong chuỗi các biện pháp cơ quan này đẩy mạnh triển khai nhằm kích thích nền kinh tế sau khi đại dịch Covid-19 bùng lên ở nước Mỹ hồi năm ngoái và kéo dài sự tàn phá cho đến thời điểm hiện tại.
Cùng với FED, Quốc hội Mỹ cũng đã bơm gói cứu trợ hơn 3.000 tỷ USD để kích thích nền kinh tế và nhiều khả năng sẽ phê duyệt thêm một gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD vào cuối tuần này. Tất cả những nỗ lực kích thích tăng trưởng này đều diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang trong cơn ngắc ngoải. Phố Wall đặt nhiều kỳ vọng về tăng trưởng trong 3 tháng đầu năm 2021 và các chỉ số dựa trên lạm phát cũng đang tăng lên.
Theo ghi nhận của ông Mohamed El-Erian – Cố vấn kinh tế trưởng tại Allianz, tâm lý thị trường đã thay đổi. Thay vì chờ đợi kết quả, thị trường lại chú trọng tìm kiếm thời điểm mà các sự thay đổi lớn sẽ diễn ra. Điều khiến các nhà đầu tư cảm thấy hoang man lúc này là liệu các biện pháp kích thích của Mỹ có đi quá đà và gây bất ổn cho nền kinh tế về lâu dài hay không?
Hồng Vân