Điểm danh những doanh nghiệp Thái đang “làm mưa làm gió” tại thị trường Việt Nam
Mặc dù không nằm trong Top các nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam song do tập trung đầu tư vào từng lĩnh vực nên các nhà đầu tư Thái Lan luôn biết cách để lại dấu ấn, nắm thị phần chi phối trên nhiều địa hạt, kể cả trong mảng sản xuất lẫn bán lẻ …

Lĩnh vực bán lẻ
Hai cái tên nổi bật nhất trên thị trường bán lẻ chính là Central Group của gia tộc tỷ phú Chirathivat và TCC Group của tỷ phú giàu thứ ba Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi. Hai “ông lớn” này hiện đang nắm giữ những chuỗi siêu thị có quy mô lớn nhất tại thị trường Việt Nam.
Những ngày đầu hoạt động tại Việt Nam, Central Group chủ yếu phân phối các thương hiệu SuperSports, Crocs, New Balance và mở chuỗi Robins năm 2014. Tuy nhiên phải đến giai đoạn 2015-2016, khi thực hiện thành công một loạt thương vụ M&A, Central Group mới thực sự khẳng định vị thế của mình trong ngành bán lẻ; nổi bật có thể kể đến thương vụ thâu tóm chuỗi siêu thị Lan Chi và mua lại 49% cổ phần của đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim.
Đặc biệt trong giai đoạn 2016-2018, Central Group đã chi 5,5 tỷ USD thực hiện các thương vụ M&A tại Việt Nam; nổi bật nhất là thương vụ mua lại hệ thống siêu thị BigC Việt Nam từ Tập đoàn Casino (Pháp) với giá trị thương vụ hơn 1 tỷ USD vào năm 2016
Không kém cạnh Central Group, TCC Group cũng gây tiếng vang lớn khi thâu tóm thành công chuỗi bán sỉ Metro Cash & Carry Việt Nam (nay đổi tên thành MM Mega Market) vào đầu năm 2016 với trị giá 655 triệu USD. Trước đó TTC đã thực hiện mua lại 65% cổ phần để nắm chi phối tại Thái An – công ty mẹ của Phú Thái Group cũng như thâu tóm chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart (nay đổi tên thành B’mart)
Lĩnh vực thực phẩm, đồ uống
Cùng với bán lẻ, Tập đoàn TCC Group còn ghi dấu ấn trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống khi chi ra 5 tỷ USD để mua lại 53,59% cổ phần của Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) – doanh nghiệp bia hàng đầu tại Việt Nam. Thông qua thương vụ đình đám này, người Thái gián tiếp chi phối hơn 1/3 thị trường bia Việt Nam.
Ngoài ra Fraser & Neave (F&N) – doanh nghiệp thuộc quyền kiểm soát của TCC Group đang là cổ đông ngoại lớn nhất tại Vinamilk với tỷ lệ chỉ đứng sau cổ đông Nhà nước.
Lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo
Nổi bật nhất trong lĩnh vực này là “ông lớn” SCG Group với hàng loạt thương vụ thâu tóm các doanh nghiệp đầu ngành. Mới đây SCG cũng đã công bố ký kết thỏa thuận mua 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Sản xuất Nhựa Duy Tân. Công ty con SCG Packaging (SCGP) sẽ là pháp nhân nhận chuyển nhượng cổ phần. Như vậy Nhựa Duy Tân sẽ trở thành công ty con của SCG. Sau thương vụ này, 30% cổ phần còn lại của Nhựa Duy Tân do các cổ đông hiện hữu nắm giữ; ban lãnh đạo Nhựa Duy Tân sẽ tiếp tục hỗ trợ và điều hành công ty cùng với SCGP.
5 năm trở lại đây đây, nhiều đơn vị đầu ngành khác của Việt Nam cũng đã bị SCG thâu tóm thông qua loạt kịch bản tương tự, điển hình như Bao bì Tín Thành, Nhựa Bình Minh, Prime Group. Gần đây nhất, SCG chi 2.070 tỷ đồng, tương đương 89 triệu USD, để sở hữu 94% vốn Công ty Cổ phần Bao bì Biên Hòa.
Tính đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn SCG có hơn 20 công ty con tại Việt Nam hoạt động trên 3 lĩnh vực gồm: xi măng – vật liệu xây dựng (SCG Cement – Building Materials), hóa dầu (SCG Chemicals), bao bì (SCG Packaging).
Lĩnh vực chăn nuôi
Đứng đầu ngành chăn nuôi tại Việt Nam không ai khác chính là “ông lớn” C.P Group – một trong những doanh nghiệp lớn nhất Thái Lan ở lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và chế biến thực phẩm.
Công ty TNHH Chăn Nuôi C.P Việt Nam được thành lập từ năm 1993 và xây nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Đồng Nai. Năm 2009, C.P Việt Nam hợp nhất với Công ty TNHH Charoen Pokphand Việt Nam trở thành Công ty C.P Vietnam Livestock Corporation và đến năm 2011 đổi tên thành Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Vietnam. Doanh nghiệp này chiếm thị phần lớn trong cả ba lĩnh vực thức ăn chăn nuôi (Feed), trang trại (Farm) và chế biến thực phẩm (Food).
Năm 2019, tổng doanh thu của tập đoàn này gần 65.500 tỷ đồng (tương đương gần 3 tỷ USD), tăng gần 5% so với năm 2018. Con số này gấp gần 10 lần so với doanh thu của những doanh nghiệp nội địa đứng đầu.
Lĩnh vực năng lượng, điện mặt trời
Lĩnh vực mới tiềm năng này cũng đang thu hút sự quan tâm lớn của các đại gia Thái Lan, mở đường cho một loạt thương vụ M&A. Cách đây 3 năm, doanh nghiệp Thái Lan Super Energy Corporation đã đầu tư vào lĩnh vực năng lượng thông qua việc mua cổ phần loạt dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận, An Giang… Cuối tháng 3/2020, Super Energy tiếp tục công bố mua cổ phần 4 dự án nhà máy điện mặt trời tại Bình Phước với tổng vốn đầu tư hơn 456 triệu USD.
Ngoài ra còn có 2 nhà máy điện mặt trời TTC 1 và TTC 2 tại Tây Ninh do Tập đoàn Thành Thành Công và Tập đoàn Năng lượng Gulf (Thái Lan) hợp tác đầu tư, vận hành từ giữa năm 2019. Từ 49% vốn sở hữu ban đầu, đến nay Gulf đã tăng mức nắm giữ lên 90%.
Theo các chuyên gia kinh tế, khi đầu tư tại Việt Nam, các tập đoàn Thái Lan chiếm ưu thế hơn hẳn so với các doanh nghiệp từ châu Âu, Hàn Quốc, Nhật… nhờ vị trí địa lý gần gũi, sự tương đồng về văn hóa.. Các doanh nghiệp này khi đã đầu tư thường nắm quyền chi phối nhằm định hướng lại hoạt động kinh doanh và tập trung vào những doanh nghiệp đầu ngành hoặc những doanh nghiệp có lợi thế.
Quang Anh