“Thành công của Bluezone là nhờ có sức mạnh toàn dân…”

Đó là khẳng định của CEO BKAV Electronics Trần Việt Hải trước thành công vang dội của ứng dụng truy vết Covid-19 dù được triển khai chỉ trong vỏn vẹn 1 tuần

Hoàn thiện ứng dụng với tinh thần “tốc chiến tốc thắng”

Về bối cảnh ra đời của ứng dụng Bluezone, CEO BKAV Electronics cho biết trước ngày ra mắt Bluezone (18/4) khoảng hơn 2 tuần, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng có họp mặt các công ty công nghệ Việt Nam để bàn bạc về việc tiến hành nghiên cứu triển khai truy vết tiếp xúc bằng công nghệ bluetooh. Thời điểm đó chỉ có 2 nước có công nghệ này, áp dụng để tiến hành truy vết tiếp xúc, khoanh vùng dập dịch và BKAV là 1 trong 4 nhóm công nghệ được triệu tập. Bộ trưởng cho 2 tuần để triển khai song do BKAV vào sau các nhóm khác khoảng 1 tuần nên đơn vị chỉ có khoảng 1 tuần để nộp sản phẩm. Cuối cùng, Cục Tin học hóa quyết định chọn sản phẩm của BKAV do có khả năng truy quét triệt để, tiết kiệm năng lượng và năng lực triển khai ở quy mô lớn. Ngày 18/4/2020, ứng dụng truy vết Covid-19 chính thức ra mắt với tên gọi Bluezone.

Ông Hải cho biết để hoàn thiện sản phẩm trong thời gian 1 tuần hết sức ngắn ngủi là nỗ lực 24/24 của cả team BKAV. Trước đó từ tháng 1/2020 khi bắt đầu có dịch, BKAV cũng đã lập các đội nghiên cứu dữ liệu và các giải pháp chống dịch Covid-19 với tinh thần “tốc chiến tốc thắng”, làm sao hoàn thiện ứng dụng càng sớm càng tốt để “bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng”.

Bề ngoài, Bluezone là một ứng dụng đơn giản nhưng thực ra việc triển khai thiết kế lại có rất nhiều bài toán cần giải quyết để ứng dụng có hiệu quả. Đầu tiên là bài toán bắt quét các thiết bị có hệ điều hành khác nhau. Hiện nay, trên thị trường có 2 hệ điều hành chính Adroid và IOS, chính sách của Google và Apple khác nhau. Công nghệ bluetooth sinh ra cũng không phải để truy vết tiếp xúc ngay từ đầu. Để tận dụng Bluetooth vào truy vết thì ứng dụng của nhà phát triển phải có rất nhiều công nghệ phục vụ việc bắt quét triệt để. Bên cạnh đó là bài toán truy vết, bảo mật (đảm bảo vấn đề riêng tư của cá nhân người dùng) và trải nghiệm người dùng (bắt quét triệt để song song với tiết kiệm năng lượng)….

Nhìn ứng dụng có vẻ đơn giản nhưng để giải quyết được tất cả các bài toán này, team Bluezone cần tới 40 nhân sự. Sau khi ra mắt ứng dụng, trong khoảng 3 tuần tiếp theo, đội ngũ lên tới 100 người bao gồm cả cán bộ nghiên cứu và các cán bộ truyền thông, thu thập dữ liệu, đào tạo… để hoàn thiện ứng dụng. Tuy nhiên theo ông Hải, nhân tố quan trọng giúp Bluezone có được kết quả vẫn là sự hỗ trợ hết mình của các doanh nghiệp trong ngành. Khi Bluezone đưa vào sử dụng cần có các hạ tầng vật lý, đã được hỗ trợ rất nhiều bởi các doanh nghiệp lớn như Vietel, VinaPhone, MobiFone, CMC, và cả Vietnamobile…

Kết tinh của sức mạnh toàn dân

Mặc dù được hoàn thiện trong thời gian rất ngắn nhưng số lượng người dùng Bluezone lại đạt mức kỷ lục trong số các sản phẩm của BKAV và theo ghi nhận của CEO Trần Việt Hải, thành công này có được là nhờ vào sức mạnh toàn dân. Việc Bluezone khi triển khai đạt được số lượng trên 20 triệu người dùng chỉ trong 3 tuần (thời gian tăng trưởng cao điểm) là một kết quả đáng kinh ngạc trên bình diện thế giới chứ không chỉ tại Việt Nam.

Trước đó các ứng dụng có nhiều lượt tải nhất ở Việt Nam đều của Mỹ, như Facebook, Instagram… Câu chuyện một ứng dụng Việt có thể vươn tầm sánh ngang họ như Bluezone, được xếp hạng vào top các ứng dụng của năm về lượng cài đặt và sử dụng thể hiện sức mạnh Việt Nam. Một sản phẩm khi đã chứng minh được sự tin cậy cũng như được cộng đồng thấu thiểu thì sản phẩm đó có thể triển khai với quy mô thần tốc. “Thực tế Bluezone có được số lượng người dùng rất lớn và hiệu quả trong truy vết Covid-19 không phải do công nghệ mà do triển khai tốt, nhanh và nhận được sự cộng hưởng sức mạnh của cộng đồng: từ Chính phủ, các công ty viễn thông – công nghệ thông tin trong cùng ngành, sự hưởng ứng của người dân và cả các phương tiện truyền thông… đều chung tay. Chúng tôi cũng coi đây là phép thử, để củng cố thêm niềm tin rằng: Mình cứ làm sản phẩm hữu ích cho xã hội, mang lại giá trị thì sẽ được cộng đồng đón nhận. Như slogan của BKAV: Hãy làm việc hết mình, điều tốt đẹp sẽ đến” – ông Hải nhấn mạnh.

Cũng theo CEO BKAV, thành công của Bluezone đem lại cho BKAV rất nhiều bài học kinh nghiệm quý giá trong việc phát triển các sản phẩm công nghệ khác. Bluezone là sản phẩm có tên tuổi đầu tiên có hướng mở mã nguồn. 99% các sản phẩm công nghệ trên thế giới đều có mã nguồn mở nhưng ở Việt Nam thì chưa phổ biến dù đã có Hiệp hội mã nguồn mở.

Bài học mà BKAV nhận ra khi mở mã nguồn Bluezone là một triết lý đơn giản mà nhiều người vẫn hay nói: “Muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Khi mở mã nguồn, team BKAV nhận được rất nhiều ý kiến, không chỉ về vấn đề công nghệ mà còn là những vấn đề về tâm lý người dùng khi sử dụng sản phẩm như: dùng Bluezone có ảnh hưởng đến tính riêng tư không, có bị tấn công hay không… Đây là những câu hỏi mà không phải nhà phát triển nào cũng có thể dễ dàng trả lời, và cách đơn giản nhất là mở mã nguồn cho cộng đồng soi xét, đánh giá. Và nhờ việc mở mã nguồn, từ nền tảng công nghệ bắt quét thông qua bluetooth của Bluezone, các nhóm nghiên cứu khác có thể sử dụng nó để ứng dụng vào các khía cạnh khác của cuộc sống. “Với cách tiếp cận này, những ý tưởng, tri thức sẽ đến với cộng đồng triệt để hơn so với việc làm sản phẩm đóng gói mà chỉ người mua sản phẩm, dịch vụ mới được trải nghiệm. Điều này cũng góp phần xây dựng hệ sinh thái sản phẩm Việt, liên kết các nhóm phát triển với nhau” – CEO Trần Việt Hải khẳng định.