EVFTA và những lợi ích chưa từng có cho cả Việt Nam lẫn EU
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU, có mức cam kết rộng và cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Hiệp định được ký kết kỳ vọng sẽ mang lại những lợi ích to lớn, thiết thực đối với doanh nghiệp và người dân của cả Việt Nam lẫn khu vực EU.
Dấu ấn thương mại Việt Nam – EU
Trong quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và châu Âu, EU được xem là khu vực vô cùng quan trọng. Với nỗ lực của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai bên, thời gian qua quan hệ thương mại song phương Việt Nam – EU đã có những bước phát triển tích cực và hiện kim ngạch thương mại song phương đã chiếm tới 90% tổng kim ngạch Việt Nam – châu Âu. Từ năm 2016 đến tháng 9/2018, kim ngạch hai chiều tăng bình quân 10%/năm, với lần lượt các cặp số (kim ngạch tỷ USD & tỷ lệ tăng) 2016 – 2017- 9 tháng 2018 là: 45,137 & 9,1% – 50,354 & 11,9% – 41,060 & 10%. Kim ngạch 2017 bằng 3,5 lần năm 2007 (14,255 tỷ USD); 9 tháng 2018 đã suýt soát bằng năm 2015 (41,365 tỷ USD). Trong đó, Việt Nam xuất khẩu (xuất khẩu) sang EU rất ấn tượng, với lần lượt các cặp số (kim ngạch tỷ USD & tỷ lệ tăng) 2016 – 2017 – 9 tháng 2018 là: 34,012 & 9,9% – 38,348 & 12,8% – 31,076 & 9,6%. xuất khẩu năm 2017 bằng 4,2 lần năm 2007 (9,108 tỷ USD); xuất khẩu 9 tháng 2018 vượt năm 2015 (30,937 tỷ USD).
Mặc dù EU là đối tác thương mại thứ 4 của Việt Nam (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ) song về xuất khẩu, EU lại đứng thứ 2 (sau Hoa Kỳ). Xuất siêu của Việt Nam sang EU tăng dần, từ 2016, 2017 đến 9 tháng 2018 (tỷ USD) là: 22,887 – 26,342 – 21,092). Xuất siêu 9 tháng 2018 lớn hơn xuất siêu năm 2015 (20,509 tỷ USD).
Cơ cấu hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU ít mang tính cạnh tranh, đối đầu trực tiếp mà ngược lại có tính bổ sung cho nhau rất lớn. Trong đó các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, thuỷ sản, hàng tiêu dùng công nghiệp. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ EU các mặt hàng máy móc, thiết bị, tân dược, hóa chất, phương tiện vận tải….
Trong số các nước thành viên EU mà Việt Nam có quan hệ thương mại, có 9 nước năm 2007 Việt Nam xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD trở lên, và 9 tháng đầu năm 2018 cũng chính 9 quốc gia này đã đạt mốc nói trên. 9 đối tác đó còn là bạn hàng lớn của Việt Nam ở châu Âu, với trị giá khoảng 70% thương mại của Việt Nam với châu lục này.
Cơ hội nhiều, khó khăn không ít
Sau khi kết thúc đàm phán ngày 1/12/2015, đến ngày 26/6/2018 EVFTA được tách làm 2 Hiệp định: Hiệp định Thương mại (FTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA). Ngày 17/10/2018, Ủy ban châu Âu đã đệ trình Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU và Hiệp định Bảo hộ đầu tư lên Hội đồng châu Âu xem xét và xin ủy nhiệm ký, để dự kiến vào cuối năm 2018 sẽ ký chính thức Hiệp định này và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào đầu năm 2019. Hiệp định được ký kết kỳ vọng mang lại những lợi ích chưa từng có đối với doanh nghiệp và người dân của khu vực EU lẫn Việt Nam.
Theo đó Hiệp định sẽ giúp các doanh nghiệp EU ưu tiên tiếp cận thị trường hơn 92 triệu người tiêu dùng, tăng đầu tư, tạo thêm việc làm, thúc đẩy thương mại với một trong những nền kinh tế năng động nhất châu Á; EVFTA cũng sẽ giúp tăng thu nhập quốc dân của EU trong dài hạn với mức tăng có thể lên tới 29,5 tỷ Euro.
Ở chiều ngược lại, các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng dễ dàng tiếp cận và khai thác tiềm năng thị trường khổng lồ EU. Về tổng thể, EVFTA sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 10 – 15% và nâng xuất khẩu của Việt Nam sang EU thêm 30 – 40% trong hơn 10 năm tới. Dòng vốn chất lượng cao được dự báo sẽ vào Việt Nam, sản phẩm với những chất lượng tiêu chuẩn châu Âu sẽ được xuất khẩu với xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới hơn 99% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ… là rất lớn. Ngoài ra các mặt hàng trước đây Việt Nam chưa thể xuất khẩu do hàng rào thuế quan còn cao thì giờ cũng có cơ hội tiếp cận được thị trường EU với giá cả cạnh tranh hơn.
Ngân hàng Thế giới đưa ra dự đoán đến 2030, thương mại Việt Nam – EU sẽ tăng hơn 11 lần so với năm 2016. Cơ hội nhiều song khó khăn cũng không ít bởi EVFTA đặt ra những tiêu chuẩn cao và hết sức phức tạp; chính vì vậy để tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ Hiệp định đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải bảo đảm sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về: Quy tắc xuất xứ; Quyền sở hữu trí tuệ ; Giải quyết tranh chấp; các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường và vệ sinh an toàn động thực vật của EU…
Minh Đường