Australia thúc đẩy dự án khai thác đất hiếm ở châu Phi

Giữa những lo ngại địa chính trị về kế hoạch hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc, công ty khai thác đất hiếm của Australia Ionic Rare Earths, công ty trước đây đã nhận được sự quan tâm từ các chính phủ, đã đảm bảo cam kết huy động 12 triệu đô la Úc (9,3 triệu đô la Mỹ) trong nguồn vốn mới để đẩy nhanh dự án Makuutu ở Uganda.
Quan ngại về các ý định của Trung Quốc đã tăng cao vào thứ Hai khi các nguồn tin Trung Quốc thông báo Bắc Kinh có thể hạn chế xuất khẩu kim loại đất hiếm sang Mỹ – một động thái có thể làm tổn thương ngành sản xuất vũ khí của nước này. Cuộc chạy đua tích trữ kim loại đất hiếm đã gia tăng trong những tháng gần đây, khiến giá cả tăng vọt, khi các quốc gia, bao gồm cả Mỹ, tăng lượng tích trữ và tìm kiếm các nguồn mới bên ngoài Trung Quốc sau khi quan hệ địa chính trị trở nên căng thẳng và Trung Quốc đặt ra hạn chế xuất khẩu và sản xuất.
Ionic – công ty được niêm yết tại Australia – cho biết việc Trung Quốc tiếp tục hạn chế xuất khẩu kim loại đất hiếm đã kích thích sự quan tâm mạnh mẽ đến sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Kim loại đất hiếm được sử dụng trong các sản phẩm chiến lược và công nghệ cao như thiết bị quân sự, điện thoại thông minh, ti vi, nam châm, máy tia X và xe điện. Trung Quốc thống trị sản lượng đất hiếm toàn cầu, bỏ xa các đối thủ như Mỹ, Australia và Myanmar.
Sức mạnh của Trung Quốc nằm ở việc tinh chế kim loại đất hiếm với chi phí thấp hơn, với phần lớn sản lượng toàn cầu chuyển sang Trung Quốc do chi phí sản xuất thấp hơn và ở một số quốc gia lo ngại về tác hại môi trường, mặc dù nước này chỉ chiếm khoảng 40% trữ lượng của thế giới.
Vào tháng 12, Luật Kiểm soát Xuất khẩu mới của Trung Quốc có hiệu lực, hạn chế việc xuất khẩu các vật liệu và công nghệ nhạy cảm, bao gồm cả các sản phẩm quân sự và hạt nhân. Tháng trước, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cũng đưa ra hạn ngạch mới để kiểm soát hơn nữa và giảm hoạt động khai thác và tinh chế kim loại đất hiếm trong nước. Chen Zhanheng, Phó chủ nhiệm Hiệp hội Công nghiệp Đất hiếm Trung Quốc, nói với Thời báo Hoàn cầu vào tháng trước rằng việc thực hiện các quy định về hạn ngạch đất hiếm đã chính thức hóa việc kiểm soát khối lượng sản xuất đất hiếm đã bắt đầu từ năm 2006. Các nhà phân tích Colin Hamilton, Timothy Wood-Dow và Diego Oliva-Velez của BMO Capital Markets cho biết trong một ghi chú vào tháng 12 sau khi Trung Quốc thông qua luật giảm xuất khẩu của mình rằng: “Với dự đoán việc Trung Quốc sẽ đưa ra một biện pháp như vậy, các khách hàng chủ chốt ở Mỹ [hoặc có lẽ là Cục Dự trữ Nhà nước] dường như đã mua càng nhiều nguyên liệu càng tốt… với nguồn cung đất hiếm ngày càng trở thành một câu hỏi chiến lược, một số biện pháp đang được ban hành để thúc đẩy sản xuất bên ngoài Trung Quốc”.
Việc dự trữ tăng lên dẫn đến giá tăng kể từ tháng 12. Các nhà phân tích của BMO cho biết thêm: “Đất hiếm thường có xu hướng đợt tăng giá đột ngột, và với căng thẳng gia tăng, đáng chú ý nhất là giữa Australia với Trung Quốc, chúng ta đang chứng kiến một đợt tăng giá đột ngột khác”.
Thảo Trang