Những tín hiệu vui khi nhiều dự án FID tỷ usd quay trở lại năm 2021

Đúng 1 năm sau dự án tỷ USD Điện khí Bạc Liêu được trao chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký 4 tỷ USD, Việt Nam đã đón nhận dự án tỷ USD tiếp theo, ngay trước thềm năm mới Tân Sửu 2021. Đó là Dự án Nhiệt điện Ô Môn II, công suất thiết kế 1.050 MW, với tổng vốn đăng ký khoảng 1,3 tỷ USD, của liên danh Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) và Tổng công ty cổ phần Thương mại xây dựng (Vietracimex).

Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II là một trong 4 nhà máy thuộc Trung tâm Điện lực Ô Môn (Cần Thơ), dự kiến vận hành năm 2026. Vì thế, việc dự án này được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư có ý nghĩa rất lớn trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng cho TP. Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhưng không chỉ là dự án Nhiệt điện Ô Môn II, khi năm mới Tân Sửu cận kề, còn một dự án lớn khác nữa được trao chứng nhận đăng ký đầu tư. Đó là Dự án tăng vốn thêm 750 triệu USD của LG Display.

Đây là lần thứ 4, LG Display tăng vốn đầu tư và sau lần tăng vốn này, Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 3,25 tỷ USD, trở thành dự án đầu tư nước ngoài có vốn đầu tư lớn nhất tại Hải Phòng. Theo kế hoạch, ngay sau khi được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, LG Display sẽ nhanh chóng triển khai xây dựng, lắp đặt phần mở rộng, để đến tháng 5/2021 có thể bắt đầu đi vào sản xuất.

Trong khi đó, những ngày cuối tháng 1/2021, Tập đoàn AVG Capital Partners (Liên bang Nga) đã ký kết biên bản ghi nhớ theo hình thức trực tuyến với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc triển khai dự án Tổ hợp Chế biến thịt lợn tại tỉnh này. Quy mô Dự án không khỏi khiến dư luận bất ngờ, bởi tổng vốn đầu tư lên tới 1,4 tỷ USD.

Theo dự kiến, AVG sẽ xây dựng tại Việt Nam một trang trại chăn nuôi lợn 5 triệu con/năm, diện tích ít nhất 1.000 ha; trong đó, có 43 trang trại lợn thương phẩm và 3 trang trại lợn lai; nhà máy sản xuất thức ăn hỗn hợp với công suất 2 triệu tấn/năm; lò mổ và nhà máy chế biến với sông suất 0,6 triệu tấn/năm với tổng diện tích khoảng 400 ha…

Rõ ràng, đây là những tín hiệu vui cho thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong năm 2021, năm được Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) dự báo là sẽ tiếp tục khó khăn cho dòng vốn đầu tư toàn cầu, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Có thêm hai dự án lớn, thu hút đầu tư nước ngoài trong tháng 2/2021, tháng có Tết Nguyên đán chắc chắn được cải thiện. Có thể, “cán cân” sẽ đổi chiều, hoặc ít nhất sẽ không còn ở mức suy giảm mạnh như tháng 1/2021.

Nhưng hơn cả những con số, niềm vui còn đến từ chính chất lượng các dự án đã thu hút. Chỉ đơn cử dự án của LG Display, thông tin không được công bố chính thức, song nhiều khả năng, việc nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc này liên tục mở rộng đầu tư có liên quan đến việc tăng nhu cầu đặt hàng các sản phẩm màn hình thế hệ mới của “ông lớn” Apple.

Năm ngoái, khi Covid-19 xảy ra, LG đã liên tục hối thúc việc đẩy nhanh tiến độ cấp chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án này, cũng như cho phép chuyên gia nước ngoài vào làm việc, để kịp thời mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu mua hàng của “táo khuyết”.

Hiện nay, Apple không ngừng tái cơ cấu lại chuỗi sản xuất toàn cầu, đồng thời hối thúc các đối tác của mình mở rộng đầu tư tại châu Á.

Mới đây, Tập đoàn Pegatron đã trình Bộ Kinh tế Đài Loan xin cấp phép kế hoạch tăng vốn đầu tư cho dự án của tập đoàn này tại Ấn Độ. Theo Tạp chí Nikkei Asia Review, với mức vốn tăng thêm 140 triệu USD, dự kiến Pegatron sẽ đáp ứng yêu cầu của Apple về việc giảm tỷ lệ sản xuất sản phẩm iPhone, iPad và Macbook tại Trung Quốc để chuyển một phần sang các quốc gia châu Á khác, trong đó có Ấn Độ.

Cũng giống như Pegatron, Wistron cũng đang tiếp tục mở rộng đầu tư này để gia tăng năng lực sản xuất iPhone tại đất nước này.

Dù cho đến nay, mới chỉ là những đồn đoán, chưa có thông tin về việc Apple sẽ sản xuất, lắp ráp iPhone tại Việt Nam, song hầu hết các đối tác lớn của Apple đều đã và đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam, từ Pegatron, tới Wistron, rồi Luxshare và đặc biệt là Foxconn.

Mới tháng trước, Foxconn – nhà sản xuất, gia công lớn nhất của Apple – đã đầu tư thêm 270 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất các loại máy tính bảng, máy tính xách tay tại tỉnh Bắc Giang.

Dù chưa sản xuất iPhone tại Việt Nam, song rõ ràng, sự hiện diện và tầm ảnh hưởng của Apple tại Việt Nam ngày càng lớn và đây là tín hiệu rất đáng mừng.

Như vậy, lần lượt các “ông lớn” của ngành thiết bị di động toàn cầu đều đã chọn Việt Nam làm địa điểm sản xuất chiến lược và điều này đang làm dấy lên hy vọng rằng, chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang được cải thiện đáng kể.

Đây đều là các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, và với các dự án này, Việt Nam có cơ hội chen chân vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.

Huy Hoàng