Xuất khẩu lúa gạo ở nước ta đang dần chuyển hướng
Thay vì tập trung xuất khẩu sang khu vực châu Á như hiện nay, mục tiêu hoạt động xuất khẩu gạo là phấn đấu đến năm 2030, thị trường châu Á còn 50%, châu Phi 25%, châu Mỹ 10%, châu Âu 6% và khu vực khác 9%. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2018 cả nước xuất khẩu 4,89 triệu tấn gạo, thu về 2,46 tỷ USD, tăng 5,9% về lượng và tăng 20,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, riêng tháng 9/2018 xuất khẩu 360.188 tấn, thu về 173,94 triệu USD, giảm mạnh 40,6% về lượng và giảm 41,4% về kim ngạch so với tháng liền kề trước đó. Giá gạo xuất khẩu trung bình trong 9 tháng đầu năm đạt 502,8 USD/tấn, tăng 13,7% so với 9 tháng đầu năm 2017.
Xuất khẩu gạo duy trì tăng trưởng ổn định trong thời gian qua
Hiện nay, xuất khẩu (XK) gạo của Việt Nam vẫn tập trung chủ yếu ở châu Á với tỷ trọng chiếm tới trên 60%. Ngoài châu Á, tỷ trọng XK gạo sang châu Phi là 22%, châu Mỹ 8%, châu Âu 5% và khu vực khác 5%.
Việt Nam vẫn giữ vững vị trí Top 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, sản xuất, XK gạo Việt Nam vẫn tồn tại không ít bất cập. Phó Cục trưởng Cục Xuất khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho hay: Hoạt động xuất khẩu gạo có một số điểm hạn chế mà các bộ ngành, hiệp hội đang khắc phục.
Đơn cử, sản phẩm gạo xuất khẩu dù khối lượng lớn nhưng phẩm cấp trung bình, phẩm cấp thấp là chủ yếu nên giá trị đem lại chưa thực sự cao. Bên cạnh đó, chất lượng hạt gạo chưa đồng đều. Điều này liên quan đến quy trình canh tác khi quy trình canh tác quá manh mún, sử dụng các loại giống khác nhau. Ngoài ra, mối liên kết giữa các đơn vị tham gia vào hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo chưa thực sự bền chặt. Giữa người nông dân và các thương nhân xuất khẩu gạo chưa có quan hệ gắn bó. Điều này dẫn tới việc, khi thị trường thế giới có biến động sẽ gây ảnh hưởng đến việc thu mua gạo của bà con nông dân.
Nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho hạt gạo Việt Nam, ông Trần Thanh Hải cho hay, Bộ Công Thương đã chủ trì Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo với một số hoạt động như xây dựng hình ảnh về hạt gạo Việt Nam, về quốc gia Việt Nam như đất nước XK gạo không chỉ số lượng lớn mà có những sản phẩm giá trị thương mại cao; xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia sản xuất hạt gạo bền vững, có chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tiến hành hoạt động xúc tiến thương mại qua đó giúp cho người mua hàng nước ngoài, người tiêu dùng nước ngoài nhận diện được hình ảnh gạo Việt Nam rõ ràng hơn, thấy được vị trí của hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế nổi bật hơn; thúc đẩy sự liên kết các đơn vị sản xuất cũng như DN thương mại để khi quan hệ, lợi ích giữa các bên gắn bó với nhau thì hạt gạo có nền tảng phát triển bền vững hơn.
Bên cạnh đó, trong Đề án thúc đẩy xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương cũng đã đặt ra mục tiêu đa dạng hóa các thị trường. Thị trường châu Á nói chung hiện đang chiếm thị phần hơn 60% kim ngạch xuất khẩu gạo. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh phát triển các thị trường khác, đặc biệt là khu vực châu Phi, Trung Đông, các nước Tây Á, Nam Á. Tiếp theo đó là khu vực thị trường châu Âu bao gồm các nước EU, Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ. Đây là khối thị trường khá tiềm năng. Dù khối lượng gạo tiêu thụ có thể không lớn bằng các thị trường đã nói ở trên song khu vực thị trường này có thể tiêu thụ các loại gạo cao cấp của Việt Nam. Phấn đấu đến năm 2030, thị trường châu Á còn 50%, châu Phi 25%, châu Mỹ 10%, châu Âu 6% và khu vực khác 9%.
Ngoài ra, Chính phủ, Bộ ngành, hiệp hội cũng như các doanh nghiệp phải cùng nỗ lực, đồng bộ từ khâu thay đổi quy trình sản xuất để tạo ra hạt gạo có giá trị thương mại lớn cho đến khâu xây dựng thương hiệu, thúc đẩy liên kết giữa người sản xuất và người kinh doanh… Tất cả các yếu tố này sẽ tạo đà cho hạt gạo Việt có thể đi ra thị trường một cách bền vững và ổn định hơn.
Victor Thai