Năng lượng tái tạo chiếm ưu thế tại châu Âu trong năm 2020

Theo một báo cáo hàng năm của Ember và Agora Energiewende, người châu Âu sử dụng nhiều điện từ các nguồn tái tạo hơn so với nhiên liệu hóa thạch lần đầu tiên vào năm ngoái.

Báo cáo theo dõi lĩnh vực điện của EU từ năm 2015 cho thấy năng lượng tái tạo đã cung cấp 38% lượng điện trong năm ngoái, so với 37% được cung cấp bằng nhiên liệu hóa thạch.

Sự thay đổi diễn ra khi các nguồn khác, chẳng hạn như năng lượng gió và năng lượng mặt trời, đã được gia tăng sử dụng ở EU. Cả hai nguồn năng lượng này đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2015 và tính đến năm ngoái đã chiếm 1/5 sản lượng điện ở các nước EU, theo báo cáo cho thấy. Đó cũng là lý do tại sao điện than giảm 20% trong năm ngoái, chỉ chiếm 13% sản lượng điện sản xuất ở châu Âu.

Dave Jones, nhà phân tích điện cao cấp của Ember và là tác giả chính của báo cáo cho biết: “Sự tăng trưởng nhanh chóng của gió và năng lượng mặt trời đã buộc than suy giảm, nhưng đây mới chỉ là bước khởi đầu. Châu Âu đang dựa vào gió và năng lượng mặt trời để đảm bảo không chỉ loại bỏ than vào năm 2030 mà còn loại bỏ dần việc sản xuất khí đốt, thay thế các nhà máy điện hạt nhân đang đóng cửa và để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng từ ô tô điện, máy bơm nhiệt và máy điện phân”.

Các biện pháp phong tỏa Covid-19 năm ngoái dẫn đến nhu cầu điện trên toàn cầu ít hơn. Theo báo cáo, nhu cầu của châu Âu giảm 4% vào năm 2020, cho biết xu hướng Covid-19 không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của các nguồn năng lượng tái tạo. Báo cáo lưu ý, kể từ năm 2015, lượng phát thải điện của châu Âu đã ghi nhận mức giảm lịch sử, trở nên sạch hơn 29%.

Cột mốc quan trọng này sau cam kết của các nhà lãnh đạo EU vào tháng trước nhằm cắt giảm 55% lượng khí thải nhà kính so với mức của năm 1990 vào năm 2030. Tại Mỹ, năng lượng tái tạo đã vượt qua tiêu thụ than trong những năm gần đây. Tháng 5 năm ngoái, các nguồn năng lượng tái tạo đã được tiêu thụ nhiều hơn than lần đầu tiên kể từ năm 1885.

Patrick Graichen, giám đốc Agora Energiewende, cho biết: “Sự phục hồi kinh tế sau đại dịch không được phép gây ảnh hưởng tới các hành động bảo vệ môi trường. Do đó, chúng tôi cần chính sách bảo vệ môi trường mạnh mẽ – chẳng hạn như trong Thỏa thuận Xanh – để đảm bảo tiến độ ổn định”.

Minh Anh