Mỗi ngày có hơn 200 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam
Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, chỉ trong 2 ngày nghỉ đã có 438 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam từ đường mòn, lối mở, trong đó riêng ngày 3/1/2021 có 254 trường hợp. Việc nhập cảnh trái phép khiến cho công tác phòng chống dịch Covid-19 ngày càng trở nên khó khăn và phức tạp vô cùng.
TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, từ nay đến Tết Nguyên Đán, chắc chắn nhu cầu người dân về ăn Tết tăng lên, tình trạng vượt biên trái phép cũng ngày càng phức tạp.
Do đó, ngay sau khi xuất hiện ca bệnh 1435 tại Trà Vinh nhiễm biến thể mới của SARS-CoV-2 từ Anh, Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
“Chiến lược của Việt Nam vẫn không đổi, tiếp tục kiên trì các nguyên tắc ngăn chặn từ bên ngoài, phát hiện sớm, khoanh vùng, cách ly dập dịch và điều trị hiệu quả. Tuy nhiên trong thời gian tới, vấn đề cách ly và quản lý tại nơi cách ly cần làm chặt chẽ hơn nữa, kiên quyết không để dịch lây lan trong các cơ sở cách ly và từ cơ sở cách ly ra cộng đồng”, TS Tấn nói.
Trong các ngày từ 4-22/1, Bộ trưởng Y tế cùng 4 Thứ trưởng sẽ trực tiếp dẫn 5 đoàn công tác đi kiểm tra công tác quản lý nhập cảnh, khai báo, cách ly, giám sát y tế tại 9 tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đồng Tháp, Cần Thơ, Gia Lai và Đắk Lắk.
Bộ Y tế cũng yêu cầu y tế huyện, xã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, công an chính quy cơ sở thực hiện theo dõi, giám sát người thực hiện cách ly tại khu cách ly dân sự, cách ly tại nhà, người hết thời gian cách ly tập trung đủ 14 ngày.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới lực lượng bộ đội biên phòng phối hợp các địa phương quản lý chặt cửa khẩu, biên giới, các khu vực đường mòn, lối mở để ngăn chặn người nhập cảnh trái phép.
Với Viện Vệ sinh dịch tễ và các Viện Pasteur phải chuẩn bị kế hoạch xét nghiệm trên diện rộng, tổ chức diễn tập, nâng cao năng lực đội phản ứng nhanh, sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch bệnh.
Theo ông Tấn, hiện ngành y tế đã giải trình tự gene được toàn bộ mẫu lây lan trong nước và mới nhất là biến thể VOC 202012/01 từ Anh, vì vậy nếu phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhiễm đột biến, Việt Nam sẽ phát hiện được ngay.
Ngoài biến thể mới từ Anh đang lây lan tại 34 quốc gia, vùng lãnh thổ, các quốc gia đang tiếp tục quan ngại biến thể mới đến từ Nam Phi có tên 501.V2, được đánh giá nguy hiểm hơn, thậm chí có thể vô hiệu các vắc xin hiện hành.
Riêng chủng VOC 202012/01 đã xuất hiện tại Việt Nam có tốc độ lây lan nhanh hơn 70% so với các chủng cũ. Do đó, nếu dịch bùng ra cộng đồng, mức độ và phạm vi khoanh vùng sẽ khó khăn hơn nhiều.
Hồng Thúy