AfCFTA – Động lực thúc đẩy tăng trưởng thương mại châu Phi
Sau nhiều tháng trì hoãn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bắt đầu từ ngày 1/1/2021 Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) chính thức được thực thi. Với 54 quốc gia, dân số 1,2 tỷ người, quy mô GDP lên đến 3.000 tỷ USD, đây được xem là khu vực thương mại tự do lớn nhất kể từ khi Tổ chức Thương mại Thế giới ra đời.
54/55 quốc gia châu Phi (trừ Eritrea) đã ký thỏa thuận khung về AfCFTA và 34 quốc gia trong số này đã phê chuẩn FTA tính đến đầu tháng 12/2020.
Trong bài phát biểu đêm giao thừa, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa khẳng định AfCFTA đi vào thực thi sẽ làm thay đổi cơ bản vận mệnh kinh tế của lục địa châu Phi. Đây cũng đồng thời là sự khởi đầu của một kỷ nguyên thương mại mới giữa các quốc gia trong lục địa, khi mà nguồn lợi về tài nguyên thiên nhiên và con người dần được nhận diện và dồn lực khai thác
Trước đó hoạt động thương mại giữa các quốc gia châu Phi còn rất “mỏng”.
Năm 2017, xuất khẩu nội khối châu Phi chỉ chiếm 16,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, quá thấp so với con số 68% ở châu Âu và 59% ở châu Á. Trong bối cảnh đó, AfCFTA sẽ hướng tới hình thành một liên minh thuế quan lục địa; xóa bỏ thuế quan đối với 90% hàng hóa nội châu Phi; hỗ trợ trong việc di chuyển vốn và con người giữa các quốc gia; tạo thuận lợi cho đầu tư bên ngoài cũng như giảm bớt các hàng rào phi thuế quan, giảm thời gian thông quan hàng hóa…
Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Phi nhận định với AfCFTA, tiềm năng thương mại nội châu Phi sẽ tăng lên hơn 50%; trong khi đó Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra nhận định hiệp định này sẽ góp phần tăng thêm 76 tỷ USD thu nhập cho lục địa đen. Tuy nhiên bên cạnh những lợi ích to lớn đạt được, khu vực thương mại tự do này cũng phải đối mặt với không ít thách thức: sự phát triển không đồng đều giữa các quốc gia; cơ sở hạ tầng nghèo nàn; các rào cản đối với các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo; sự tàn phá nặng nề của đại dịch Covid-19…. Dẫu vậy AfCFTA vẫn mang đến niềm tin và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp của lục địa đen. Thỏa thuận hợp nhất một thị trường ước tính trị giá 3.000 tỷ USD và có thể giúp hiện thực hóa hơn 84 tỷ USD hàng xuất khẩu nội châu Phi chưa được khai thác.
Tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến diễn ra vào đầu tháng 12/2020, các nhà lãnh đạo châu Phi đưa ra khuyến nghị khi AfCFTA chính thức đi vào thực thi, các quốc gia trong lục địa cần phải chú trọng hài hòa giữa chế độ thuế hải quan và thuế quan. Theo Ủy ban Kinh tế châu Phi của Liên hợp quốc, nếu AfCFTA được thực thi, khu vực Đông Phi sẽ tạo ra khoảng 1,8 tỷ USD phúc lợi và hơn 2 triệu việc làm. Đối với thương mại nội khối, 90% hàng hóa của các quốc gia đã ký thỏa thuận khung về AfCFTA sẽ được miễn thuế kể từ ngày 1/1/2021.
Nếu tính theo số lượng quốc gia thành viên, AfCFTA được xem là khu vực thương mại tự do lớn nhất kể từ khi Tổ chức Thương mại Thế giới ra đời.
Thông qua thúc đẩy thương mại nội khối trong lĩnh vực sản xuất, AfCFTA sẽ mang đến nhiều cơ hội việc làm cũng như nâng cao vị thế của người phụ nữ trong nền kinh tế. Điều quan trọng là Hiệp định này sẽ góp phần làm thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là đối với các sản phẩm yêu cầu kỹ năng tương đối thấp hơn.
Hùng Điệp