Nhìn lại 2020: Một năm vất vả với các nhà bán lẻ Singapore

Các nhà bán lẻ đã gặp khó khăn trong thời gian qua, với các nhà khai thác truyền thống đang vấp phải cạnh tranh từ những người bán hàng trực tuyến, nhưng họ đã gặp phải những thách thức lớn hơn trong năm nay trong bối cảnh một đại dịch đã tàn phá nền kinh tế.

Các nhà bán lẻ lao đao

Robinsons đã vượt qua nhiều cơn bão trong suốt 162 năm tồn tại, nhưng đại dịch là giọt nước tràn ly. Nhà bán lẻ này đã thông báo vào tháng 10 rằng họ sẽ đóng cửa hai cửa hàng cuối cùng của mình, tại Trung tâm mua sắm The Heeren và Raffles City.

Cửa hàng tại The Hereen đã đóng cửa vào ngày 16 tháng 12, nhưng cửa hàng Raffles City vẫn chưa công bố ngày cuối cùng và sẽ mở cửa trong suốt Giáng sinh và Năm mới.

Trong khi đó, nhà bán lẻ Marks & Spencer của Anh sẽ đóng cửa cửa hàng tại Trung tâm mua sắm Raffles City vào ngày 31/12, mặc dù 10 cửa hàng khác trên toàn đảo quốc vẫn sẽ mở cửa.

Theo Forbes, cả Marks & Spencer và Robinsons đều thuộc Tập đoàn Al-Futtaim có trụ sở tại Dubai, thuộc sở hữu của nhà tài phiệt Abdulla Al Futtaim và do con trai ông điều hành.

Các nạn nhân khác của đại dịch là thương hiệu thời trang Topshop của Anh và thương hiệu anh em Topman, đã thông báo vào tháng 9 rằng họ sẽ đóng cửa cửa hàng cuối cùng – ở VivoCity – và mở cửa trực tuyến sau hai thập kỷ hiện diện tại đây.

Cửa hàng đầu tiên được mở tại Wisma Atria ở Orchard Road vào năm 2000.

Tại Anh, Tập đoàn Arcadia của Philip Green, người cũng sở hữu Topshop, Dorothy Perkins và các thương hiệu khác, đã bắt đầu thủ tục phá sản.

Các công ty thực phẩm và đồ uống cũng gặp khó khăn khi công suất giảm do các quy tắc điều chỉnh giản cách xã hội và đóng cửa.

Nhà hàng Prima Tower Revolving mang tính biểu tượng ở đường Keppel đã đóng cửa vào tháng 8, sau 43 năm. Ban đầu họ có ý định đóng cửa tạm thời từ ngày 6 tháng 4 đến ngày 31 tháng 7, nhưng đã quyết định ngừng hoạt động vì ảnh hưởng của đại dịch.

Nhà hàng Trung Quốc này, do Tập đoàn Prima mở vào năm 1977, nằm cách mặt đất 60m, trên đỉnh của các hầm chứa lúa mì hình trụ và chuyên phục vụ các món ăn Bắc Kinh.

Các nhà bán lẻ phát triển mạnh

Trong khi một số nhà bán lẻ đóng cửa các cửa hàng của họ, thì gã khổng lồ đồ nội thất Thụy Điển Ikea sẽ mở một cửa hàng mới ở Jurong East vào năm tới, theo thông báo của họ hồi tháng 5.

Cửa hàng rộng 6.500 m2 ở trung tâm thương mại Jem sẽ trải rộng trên ba tầng và bao gồm một nhà hàng. Cửa hàng này sẽ thay thế Robinsons, đã có mặt trong trung tâm mua sắm từ năm 2013.

Một doanh nghiệp khác cũng tăng trưởng trong năm nay là nhà bán lẻ thể thao Pháp Decathlon, vốn đã mở cửa hàng trải nghiệm thứ 5 tại đây vào tháng 9. Cửa hàng này có diện tích 3.200 m2 ở The Centrepoint, đánh dấu sự mạo hiểm đầu tiên của thương hiệu này vào vành đai mua sắm chính của Singapore, Đường Orchard.

Doanh số bán hàng trực tuyến của họ cũng bùng nổ trong năm nay, rất có thể được thúc đẩy bởi nhu cầu về thiết bị thể dục tăng lên khi mọi người tăng cường thói quen tập thể dục của họ trong bối cảnh đại dịch.

Nhưng mức tăng trưởng lớn nhất là ở các siêu thị, nơi doanh thu bán ra đã tăng hai con số trong hầu hết các tháng so với năm ngoái.

Nhà điều hành siêu thị Sheng Siong đã công bố lợi nhuận ròng 31,8 triệu đô la cho quý 3, tăng 54,4% so với một năm trước đó.

Minh Anh