Việt Nam có mức tăng GDP thuộc TOP cao nhất thế giới năm 2020
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước năm 2020 ước tính tăng 2,91% so với năm trước, mức tăng trưởng này của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới. Dù Việt Nam thuộc nhóm nước tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới trong năm 2020, nhưng mức tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 2,91% trong năm nay là mức tăng trưởng thấp nhất của thập kỷ 2011-2020.
Bên cạnh đó, GDP quý IV/2020 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid-19 được nước ta được kiểm soát chặt chẽ, nền kinh tế từng bước hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và EU có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 cũng góp phần tạo động lực phát triển kinh tế. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,69% so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,60%; khu vực dịch vụ tăng 4,29%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,07%. Về sử dụng GDP quý IV/2020, tiêu dùng cuối cùng tăng 1,48% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 5,29%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,25%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,83%.
Việc khống chế thành công dịch bệnh, khôi phục sự phát triển kinh tế cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội”.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 13,5% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,98%, đóng góp 53%; khu vực dịch vụ tăng 2,34%, đóng góp 33,5%.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, dịch Covid-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải, không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động.
Ngoài ra, tiến trình tái cơ cấu chậm làm cho chất lượng tăng trưởng thấp. Xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng nhưng chưa bảo đảm chất lượng và thiếu tính bền vững. Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao dẫn đến năng suất lao động thấp làm cho hiệu quả và sức cạnh tranh của toàn nền kinh tế bị hạn chế.
Phía Tổng cục Thống kê cũng đưa ra những đề xuất chủ động tận dụng cơ hội nhằm thực hiện tốt nhất mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2021, tạo đà phát triển mạnh cho những năm tiếp theo.
Theo đó, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời. Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế nhằm vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, cần điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chủ động phòng ngừa và hạn chế những bất ổn của thị trường thế giới tác động tiêu cực đến thị trường trong nước. Tăng trưởng tín dụng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do châu Âu – Việt Nam. Nhanh chóng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, gồm cả ngành sản xuất sản phẩm phải nhập khẩu hiện nay và ngành sản xuất sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao để giảm áp lực nhập khẩu yếu tố đầu vào.
Thùy Linh