Brexit sẽ khiến Vương quốc Anh nghèo hơn
Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu đã đồng ý về một thỏa thuận thương mại, khép lại thời gian hơn bốn năm không chắc chắn về cách quốc gia này sẽ tiến hành giao thương với thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình sau Brexit ra sao.
Dưới đây là một số thách thức lớn mà nền kinh tế Anh đang phải đối mặt khi quá trình chuyển đổi Brexit kết thúc vào ngày 1 tháng 1.
Rào cản thương mại
Các công ty của Anh đang mất quyền tiếp cận tự do vào Liên minh Châu Âu. Mặc dù một thỏa thuận có nghĩa là các nhà xuất khẩu đã không phải chịu đựng những mức thuế đắt đỏ đối với hàng hóa của họ, nhưng chỉ riêng các tờ khai xuất nhập khẩu mới sẽ khiến các công ty Anh tiêu tốn 7,5 tỷ bảng Anh (10,3 tỷ USD) mỗi năm, theo cơ quan quản lý doanh thu của Anh.
Chi phí sẽ tăng nhanh chóng nếu các đợt kiểm tra hải quan mới làm trì hoãn hàng hóa ở biên giới và làm rối loạn chuỗi cung ứng, buộc các nhà máy phải tạm dừng sản xuất. Các nhóm ngành đại diện cho các nhà bán lẻ và sản xuất thực phẩm cảnh báo rằng áp lực sẽ chỉ gia tăng khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc.
Jonathan Geldart, Tổng giám đốc Viện Giám đốc, một nhóm vận động hành lang, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm: “Hiện không còn nhiều thời gian đối với các doanh nghiệp. Việc phân tích những thay đổi có ý nghĩa như thế nào trong thực tế và đưa ra hành động thích ứng giữa đại dịch trong khi sự gián đoạn biên giới tiếp tục, là một câu hỏi lớn”.
Tình trạng thiếu nhân công
Hệ thống nhập cư mới của Anh, có hiệu lực vào tháng 1, được đưa ra nhằm làm giảm số lượng lao động phổ thông đến Vương quốc Anh và chấm dứt điều mà chính phủ nước này mô tả là “sự phụ thuộc vào lao động giá rẻ, kỹ năng thấp”.
Số lượng công nhân EU đến Anh đã giảm mạnh kể từ năm 2016 và các nhà tuyển dụng lo lắng về tình trạng thiếu lao động, mặc dù nhập cư từ các nước ngoài EU đang gia tăng.
Các trang trại ở Vương quốc Anh cần 70.000 đến 80.000 lao động thời vụ mỗi năm để thu hoạch thành công, theo Liên minh Nông dân Quốc gia (NFU). NFU đang vận động chính phủ giới thiệu một chương trình lao động thời vụ, bởi nếu không có chương trình này, một số nông dân đã cảnh báo rằng trong trường hợp xấu nhất, cây trồng có thể bị thối rữa trên ruộng.
Phó chủ tịch NFU Tom Bradshaw nói với CNN Business tuần trước: “Những người lao động từ bên ngoài Vương quốc Anh là hoàn toàn quan trọng đối với sự thành công của lĩnh vực trồng trọt của chúng tôi. Chúng tôi đang ở thời điểm quan trọng trong việc tuyển dụng nhiều người trồng trọt. Khi quyền tự do đi lại kết thúc vào ngày 31 tháng 12, [những người trồng trọt] vẫn không biết họ sẽ tuyển dụng lao động có kinh nghiệm từ đâu.”
Lỗ đầu tư
Theo các nhà phân tích tại Berenberg, tăng trưởng GDP trong ba năm sau cuộc trưng cầu Brexit vào tháng 6/2016 đã chậm lại còn 1,6% do đầu tư kinh doanh bị đình trệ.
Tuy nhiênm vẫn có nguy cơ các công ty nước ngoài, bao gồm cả các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản như Nissan và Honda, sẽ không còn coi Vương quốc Anh là bệ phóng vào châu Âu.
Điều đó có thể đã xảy ra. EY cho biết đầu tư của Trung Quốc trên toàn châu Âu đã tăng lên kể từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit nhưng lại giảm ở Vương quốc Anh. Các ngân hàng toàn cầu đã chuyển một số hoạt động của họ ra khỏi Luân Đôn đến các thành phố trong Liên minh Châu Âu.
Dịch vụ tài chính khó khăn
Miles Celic, Giám đốc điều hành của TheCityUK, cho biết: “Mặc dù một thỏa thuận được hoan nghênh, nhưng các dịch vụ tài chính liên quan đều thật sự cần thiết với cả hai bên để tiếp tục phát triển mối quan hệ trong lĩnh vực dịch vụ trong những năm tới”.
Các ngân hàng lớn cho biết họ đã chuẩn bị cho Brexit và các điều khoản thương mại mới với Liên minh châu Âu sẽ không làm gián đoạn hoạt động của họ trong khi các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục theo quy định.
Trần Hiệp