Ngành gỗ trước yêu cầu giảm thiểu rủi ro trong phòng vệ thương mại
Từ đầu năm đến nay, ngành gỗ liên tiếp đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc…. Thực trạng này đòi hỏi cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước để có thể kiểm soát tốt các nguy cơ, giảm thiểu thiệt hại…

Báo cáo tổng quan về các vụ kiện phòng vệ thương mại mà ngành gỗ Việt Nam phải đối mặt, ông Phùng Gia Đức- Phó trưởng Phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết những năm trước các vụ việc liên quan tới sản phẩm gỗ hầu như không có, tuy nhiên từ năm 2019 trở lại đây lại xảy ra dồn dập nhiều vụ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm gỗ Việt.Trong năm 2020, Việt Nam đang bị điều tra 37 vụ việc liên quan tới sản phẩm gỗ của Việt Nam, trong đó có Hoa Kỳ điều tra chống lẩn tránh thuế đối với sản phẩm gỗ dán và Ấn Độ điều tra chống bán phá giá đối với gỗ ván MDF
Ông Điền Quang Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Tp.HCM cảnh báo nguy cơ Chính phủ Mỹ áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại đối với các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào các thị trường này là rất lớn bởi một khi Mỹ mở cuộc điều tra theo Điều khoản 301 Luật Thương mại với gỗ thì có đến 95% vụ kiện đều trở thành hiện thực. Việc bị áp thuế với mức 25% đồng nghĩa với thời hoàng kim của ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt đã đến hồi kết.
Xoay quanh tình hình xử lý 2 vụ kiện mới nhất trong năm 2020 này, ông Cao Chí Công – Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết ngoài việc yêu cầu doanh nghiệp giải trình vụ việc và gửi tất cả tài liệu cho cơ quan liên quan phía Hoa Kỳ, Hàn Quốc; Hiệp hội cũng đã báo cáo vụ việc lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trình Thủ tướng Chính phủ. Về phía doanh nghiệp, ông Công cho biết mặc dù các doanh nghiệp, Hiệp hội Gỗ trên cả nước đã ký Biên bản cam kết thúc đẩy phát triển ngành gỗ Việt Nam theo hướng bền vững song vẫn còn một số nguyên nhân khách quan như doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ một số vùng địa lý không tích cực.
Để làm rõ vấn đề này đòi hỏi phải minh bạch được nguồn gốc gỗ. Mặc dù Nghị định 102/2020/NĐ-CP được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 1/9/2020 đã quy định rõ Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam đã phân biệt những quốc gia nằm ở vùng địa lý tích cực và không tích cực song trên thực tế Việt Nam vẫn nhập khẩu một khối lượng gỗ từ các quốc gia không nằm trong danh sách vùng địa lý tích cực. Nguyên nhân là do việc nắm bắt thông tin về khung pháp lý đặc biệt tại các nước có nền quản trị lâm nghiệp kém như châu Phi, Mỹ Latinh, Lào, Campuchia… rất khó khăn cho cả doanh nghiệp nhập khẩu và cơ quan quản lý của Việt Nam. Cụ thể Việt Nam nhập khẩu gỗ tròn từ 24 quốc gia, trong đó 5 quốc gia có lượng cung trên 100.000m3, bao gồm 2 quốc gia không thuộc danh sách; 14 quốc gia cung cấp từ 50.000m3/năm, 6 quốc gia không thuộc danh sách. Về gỗ xẻ, 5 quốc gia có nguồn cung từ 100.000m3/năm, bao gồm 1 quốc gia không thuộc danh sách, 11 quốc gia cung từ 50.000m3/năm, 5 quốc gia không nằm trong danh sách. Trong 31 quốc gia có 11 quốc gia không nằm trong danh sách.
Trước tình hình trên, nhằm giảm thiểu rủi ro trong phòng vệ thương mại và trong khâu nhập khẩu gỗ nguyên liệu, Cục Phòng vệ Thương mại đưa ra một số khuyến nghị đối với cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó các doanh nghiệp cần xây dựng cơ sở dữ liệu các sản phẩm gỗ sang các thị trường quan trọng; thường xuyên tập huấn, cập nhật thông tin, pháp luật về phòng vệ thương mại; nghiên cứu các quy định về hạn chế nhập khẩu của các thị trường quan trọng, bao gồm cả phòng vệ thương mại; nỗ lực minh bạch hóa nguồn gốc xuất xứ của các nguồn nguyên liệu, đặc biệt là để xuất khẩu.
Ông Phùng Gia Đức lưu ý các doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ chính sách của nước nhập khẩu, đặc biệt là các chính sách liên quan đến phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, lẩn tránh thuế, đồng thời cần tìm hiểu và chuẩn bị sẵn sàng để tránh bị điều tra. “Các vụ kiện phòng vệ thương mại là cuộc chơi mà doanh nghiệp gỗ Việt bắt buộc phải tham gia. Nếu muốn giữ thị trường xuất khẩu và có định hướng xuất khẩu thì chúng ta cần chuẩn bị thật tốt, phải có kiến thức về phòng vệ thương mại và hiểu rõ bản chất công cụ này để ứng phó hiệu quả, tránh tình trạng hàng đã xuất đi, sau 2-3 tháng lênh đênh trên biển đến khi cập cảng nơi nhập khẩu mới té ra bị đánh thuế gấp nhiều lần” – ông Đức nhấn mạnh.
Hùng Trần