Báo động biến thể virus corona lây lan cực nhanh trên thế giới

Chỉ một thời gian ngắn sau khi được phát hiện ở Vương quốc Anh, chủng virus biến thể gây bệnh Covid-19 đã nhanh chóng xuất hiện tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như: Anh, Nam Phi… và mới đây là Nigeria, Brazil, Singapore, Israel …

Vào đầu tháng 12/2020, số ca mắc Covid-19 ở xứ Kent (Vương quốc Anh) tăng đột biến khiến các nhà khoa học phải đau đầu đi tìm câu trả lời. Để có thêm dữ liệu, Giáo sư Nick Loman và các đồng nghiệp thuộc Hiệp hội Nghiên cứu gen Vương quốc Anh lập tức bắt tay vào nhiệm vụ nghiên cứu chủng virus biến thể gây bệnh Covid-19.

Theo Giáo sư Nick Loman, các biến thể Covid-19 là các lỗi nhỏ được tạo ra một cách tự nhiên khi hệ gen được sao chép – phát triển với nhịp độ ổn định khoảng 1 – 2 lần/tháng. Tuy nhiên, với những trường hợp mắc Covid-19 ở Kent, các nhà khoa học hết sức bất ngờ khi phát hiện ổ dịch tại đây mang đặc điểm khác thường khi có tới 23 biến thể; chúng xuất hiện đột ngột không có bất kỳ dấu hiệu báo trước nào và phát triển với tốc độ cực nhanh.

Ngay lập tức một cuộc điều tra của Cơ quan Y tế Công cộng Anh đã được triển khai và kết quả cho thấy biến thể B.1.1.7 (hay 501Y.V1) bắt đầu phát triển khi khi số ca mắc Covid-19 tại Kent và một số khu vực khác ở đông nam nước Anh tăng vọt. Lần theo dấu vết, họ phát hiện biến thể này đã xuất hiện trên bệnh nhân Covid-19 từ ngày 20/9 và đến ngày 15/11, biến thể này đã chiếm khoảng 20 – 30% số ca mắc Covid-19 ở London và vùng phụ cận phía Đông thành phố. 3 tuần tiếp sau đó, tỷ lệ này đã tăng vọt lên khoảng 60%. Đáng báo động, ngày 23/12, các nhà khoa học Anh thông báo về một biến thể virus corona khác được phát hiện ở Nam Phi hồi tuần trước, trên hai bệnh nhân ở Anh.

Sự lây lan quá nhanh của chủng virus biến thể gây bệnh Covid-19 khiến các nhà khoa học không khỏi hoang mang. Họ không tài nào xác định được những ổ dịch đột biến này xuất hiện ra sao, cũng như hệ quả về lâu dài.

Một số nhà khoa học nêu giả định rằng chính sức ép từ các liệu pháp điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 mãn tính (mắc bệnh trong thời gian dài) đã thúc đẩy virus corona tiến hóa, tạo môi trường thuận lợi cho một vài biến thể có lợi cho virus phát triển. Tiến trình này cũng tương tự như cách virus HIV trở nên kháng thuốc ở những bệnh nhân không hoàn thành liệu trình điều trị.

Một vài nghiên cứu cũng đã cho thấy khả năng tiến hóa nhanh chóng của virus corona ở bệnh nhân mắc Covid-19 mãn tính. Trong một bài báo gần đây, bác sỹ Gupta và các đồng nghiệp đã phát hiện biến thể virus corona xuất hiện vào ngày thứ 63 sau khi một bệnh nhân nhận được 3 đợt điều trị bằng huyết tương. Điều tương tự cũng xảy ra với một bệnh nhân bị ung thư 65 tuổi, người đã may mắn sống sót sau 105 ngày mắc Covid-19. Ngoài ra theo nghiên cứu của Anh mới công bố hồi tháng 11, một trong số những biến thể được phát hiện gần đây ở Nam Phi là N439K có thể giúp virus corona kháng lại các loại thuốc kháng thể đơn dòng (monoclonal antibody).

Bà Emma Hodcroft – Nhà đồng phát triển của Nextstrain – Tổ chức toàn cầu chuyên theo dõi sự phát triển của dịch bệnh cho biết khả năng tiến hóa nhanh như trên cũng được tìm thấy ở các loại virus gây bệnh cúm, tuy nhiên virus corona có thể đi theo một lộ trình hoàn toàn khác mà các nhà khoa học chưa nắm được

Còn theo bác sĩ Muge Cevik – chuyên gia bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học St. Andrews, nếu giả thiết “virus tiến hóa” là đúng thì điều này sẽ tác động rất lớn đến cách thức chữa trị Covid-19. Thời điểm dịch bệnh bùng phát, do không tìm ra được phương thức chữa trị hiệu quả nhất nên các bệnh viện buộc phải áp dụng hàng loạt liệu pháp cho bệnh nhân với hi vọng trong số này sẽ có liệu pháp phát huy hiệu quả. “Tuy nhiên nếu thuốc kháng virus và liệu pháp kháng thể sẽ góp phần khiến virus tăng đột biến. Chính vì vậy cộng đồng y khoa cần phải hết sức cẩn trọng với vấn đề này” – bác sĩ Cevik khuyến nghị

Hùng Anh