Việt Nam không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế với bất kỳ giá nào

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, quan điểm của Việt Nam là phát triển kinh tế luôn đi kèm với bảo vệ môi trường, tuyệt đối không có sự đánh đổi.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại lễ khởi động Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam.

“Việt Nam đang đi đầu trong các lĩnh vực then chốt” là lời đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) khi nói về những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua trong cả tăng trưởng kinh tế, củng cố nội tại quốc gia cũng như công tác ngăn ngừa và kiểm soát đại dịch.

Tuy nhiên, thách thức về môi trường lại đang đặt ra những rủi ro lớn, đe dọa mọi nỗ lực phát triển của Việt Nam trong nhiều thập kỷ vừa qua.

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 3,7 triệu tấn chất thải nhựa mỗi năm, trong đó chỉ có 10 – 15% được thu gom, tái chế. Một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2019 ước tính có khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa từ Việt Nam rò rỉ ra đại dương.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm y tế phòng hộ tăng cao, kéo theo một lượng lớn rác thải nhựa nguy hại phát sinh, làm tình hình ngày càng trở nên trầm trọng.

TS. Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc quốc gia Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) Việt Nam cho biết, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, phá hoại nguồn lợi kinh tế lớn, đe dọa an ninh lương thực, kìm hãm phát triển kinh tế.

Cam kết cắt giảm 75% rác nhựa đại dương

Việt Nam đang có những bước đi mạnh mẽ, thể hiện nỗ lực và ý chí quốc gia trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững và bao trùm.

Cụ thể, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được thông qua vào ngày 17/11 vừa qua, dự kiến có hiệu lực vào năm 2022, với các tiếp cận mới “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, ứng dụng công cụ chính sách mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR).

Trước đó, quyết định số 1746/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải đại dương đã đưa ra 3 cam kết cho tới năm 2030, bao gồm cắt giảm 75% rác nhựa thải ra đại dương, cấm hoàn toàn nhựa dùng một lần và loại bỏ sự xuất hiện của rác thải nhựa tại các khu vực bảo tồn sinh thái biển.

Ông Thịnh đánh giá, những mục tiêu này sẽ thay đổi hoàn toàn nền kinh tế biển của Việt Nam, đảm bảo sinh kế người dân trong ngành nghề đánh bắt cá và du lịch, đồng thời mở ra những cơ hội mới nhằm thúc đẩy chuỗi giá trị bền vững, trợ lực thiết lập nền kinh tế tuần hoàn.

Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam

Ngày 23/12, Bộ Tài nguyên và môi trường, WEF và WWF hợp tác khởi động Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam. Đây là chương trình hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và môi trường với sáng kiến Chương trình đối tác hành động toàn cầu về nhựa, một nền tảng toàn cầu của WEF nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Tham gia lễ khởi động, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, quan điểm của Việt Nam là phát triển kinh tế luôn đi kèm với bảo vệ môi trường, tuyệt đối không có sự đánh đổi.

Từ đó, Phó Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, hiệp hội và toàn xã hội tiếp tục chung tay góp sức, cùng Chính phủ tích cực giảm thiểu và xử lý hiệu quả rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa và chất thải nguy hại.

Sự kiện khởi động Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam đánh dấu mốc Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới thực hiện mô hình hợp tác đa chủng thể để đẩy mạnh thực thi các cam kết cắt giảm rác thải nhựa.

Bà Kristin Hughes, Giám đốc Chương trình đối tác toàn cầu về nhựa đánh giá cao mối quan hệ hợp tác cũng như những nỗ lực của Chính phủ trong công tác thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.

“Chuẩn bị khép lại một năm 2020 đầy biến động, chúng ta đang bắt đầu một hành trình của sự hy vọng và lạc quan vào tương lai tươi sáng. Chúng tôi tin rằng đất nước và con người Việt Nam với truyền thống về sự kiên cường, sẽ chuyển mình mạnh mẽ trong tương lai tới”, bà Hughes nói.

Thùy Linh