Xây dựng định hướng phát triển cho 17 doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng đề án “Phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới”.
Đối tượng của đề án là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quy mô lớn, trọng tâm là tập đoàn kinh tế (TĐKT), tổng công ty (TCT) nhà nước, chủ yếu tập trung vào đối tượng là 17 TĐKT, TCT có quy mô lớn, hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng.
DNNN nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng của nền kinh tế
Mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế (gần 0,4% số DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh) nhưng các DNNN nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng của nền kinh tế (chiếm khoảng 26% tổng vốn sản xuất kinh doanh và hơn 24% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh).
Số DNNN này có thị phần đủ lớn để có vai trò thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, về an ninh năng lượng quốc gia, các nhà máy điện thuộc PVN, EVN, TKV chiếm khoảng 87% trong cơ cấu nguồn đặt. Trong lĩnh vực viễn thông, các DNNN chiếm hơn 90% thị phần về thuê bao di động và băng rộng di động mặt đất. Trong vận tải hàng không, VNA là DN dẫn đầu trên thị trường về quy mô và sản lượng vận chuyển hành khách. Hay DNNN có vai trò trong việc cung cấp nguyên vật liệu sản xuất đầu vào cho nền kinh tế, như Vicem chiếm 33,7% thị phần cả nước.
Dựa trên chủ trương của Đảng, Nhà nước, đánh giá tình hình của các DNNN, đề án đưa ra một số định hướng phát triển và giải pháp thúc đẩy việc hình thành các DNNN lớn trong một số lĩnh vực.
Cụ thể, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được định hướng xây dựng tiềm lực mạnh mẽ về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao, chủ động hội nhập quốc tế, trở thành tập đoàn dầu khí quốc gia ngang tầm với các nước khác trong khu vực (Thái Lan, Malaysia…). Nghiên cứu định hướng cổ phần hóa trong giai đoạn 2025 – 2030 đối với công ty mẹ – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đóng vai trò chi phối và dẫn dắt trong hoạt động dầu khí.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trở thành TĐKT hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam và khu vực, đóng vai trò chủ đạo trong nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; phát triển đồng bộ và hợp lý các khâu sản xuất – truyền tải – phân phối, kinh doanh điện; đảm bảo khả năng truyền tải công suất nguồn điện, nhất là các nguồn năng lượng tái tạo; sắp xếp lại để thực hiện thị trường điện cạnh tranh.
Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex trở thành một tập đoàn năng lượng hàng đầu của Việt Nam, lấy kinh doanh xăng dầu làm trục chính, thực hiện đa sở hữu, tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển các lĩnh vực kinh doanh chính có liên quan và phụ trợ cho kinh doanh xăng dầu; phấn đấu trở thành một trong 10 DN hàng đầu của Việt Nam về quy mô DN và hiệu quả kinh doanh.
Trong lĩnh vực đầu tư vốn và tài chính, ngân hàng, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được định hướng trở thành nhà đầu tư của Chính phủ, tổ chức tài chính nhà nước chuyên nghiệp và hàng đầu ở Việt Nam; hướng tới mục tiêu trở thành Quỹ Đầu tư của Chính phủ, 1 trong 10 tập đoàn tài chính có quy mô vốn chủ sở hữu hàng đầu tại Việt Nam.
Các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) đóng vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường; đi đầu trong việc áp dụng công nghệ ngân hàng hiện đại, năng lực quản trị tiên tiến, chủ động hội nhập quốc tế; tích cực tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Viettel là động lực nòng cốt phát triển công nghiệp quốc phòng
Trong lĩnh vực viễn thông, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sang nhà cung cấp dịch vụ số. Đến năm 2030, trở thành Trung tâm số-Digital Hub ở khu vực Châu Á và chủ động, tiên phong tham gia gánh vác 3 trụ cột của nền kinh tế số Việt Nam (hạ tầng và dịch vụ số, tài nguyên số, chuyển đổi số).
Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel) trở thành tập đoàn kinh tế năng động, hiện đại, có năng lực cạnh tranh cao trong nước và nước ngoài, vươn ra thị trường quốc tế để hiện thực hóa trở thành một tập đoàn kinh doanh toàn cầu, đồng thời là động lực nòng cốt cho phát triển công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
TCT Viễn thông MobiFone phát triển trở thành một trong những DN viễn thông chủ lực quốc gia về cung cấp các dịch vụ viễn thông, phát triển dịch vụ viễn thông di động sử dụng các công nghệ nâng cấp và công nghệ mới, tập trung phát triển dịch vụ dữ liệu trên nền mạng di động và các dịch vụ tích hợp và dịch vụ giá trị gia tăng. Điều chỉnh MobiFone từ DN khai thác viễn thông truyền thống sang DN số.
Trong kết cấu hạ tầng, TCT Hàng không Việt Nam được xác định là hãng hàng không quốc gia Việt Nam, lực lượng vận tải chủ lực tại Việt Nam với hệ sinh thái đầy đủ, toàn diện trong đó mảng vận tải hàng không đóng vai trò trung tâm, cùng với các công ty con, công ty vốn góp hoạt động trong mảng dịch vụ phụ trợ hàng không bổ sung hỗ trợ cho nhau.
TCT Cảng hàng không Việt Nam là DNNN có vai trò chủ đạo trong lĩnh vực đầu tư khai thác cảng hàng không, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, song song đó thực hiện nhiệm vụ chiến lược phát triển ngành và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Bảo đảm TCT Đường sắt có cơ cấu hợp lý, nâng cao hiệu quả hoạt động để TCT làm tốt vai trò nòng cốt nhằm đưa ngành đường sắt Việt Nam phát triển nhanh, bền vững; góp phần thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng, an ninh.
Xây dựng TCT Hàng hải Việt Nam là DN nòng cốt, chủ lực của ngành hàng hải Việt Nam với năng lực khai thác trong cả 3 lĩnh vực vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải, logistics. TCT là một trong những DN hàng đầu của cả nước với nền tảng cơ sở vật chất và bộ máy điều hành chuyên nghiệp có thể cung cấp dịch vụ chuỗi trọn gói cho khách hàng./.
Anh Đức