Doanh thu tăng cả nghìn lần nhưng Grab vẫn báo lỗ nặng tại Việt Nam
Trong khi tài xế Grab liên tục phản đối chính sách tăng khấu trừ của hãng, cơ quan quản lý thuế cũng yêu cầu doanh nghiệp này phải phát ngôn thận trọng khi đưa ra lời giải thích với công luận và lái xe về việc điều chỉnh tăng cơ cấu giá thì Grab lại tiếp tục báo lỗ dù doanh thu của hãng đã tăng hàng nghìn lần trong 6 năm qua.
Grab lần đầu xuất hiện tại thị trường Việt Nam vào năm 2014 với pháp nhân đầu tiên là Công ty TNHH GrabTaxi (tiền thân của Công ty TNHH Grab). Đến tháng 10/2014, công ty này triển khai dịch vụ GrabBike và bắt đầu chiêu mộ tài xế xe 2 bánh để vận hành mô hình kinh doanh kết nối vận tải của mình.
Tại thời điểm đó, tổng tài sản – nguồn vốn của Grab (khi đó là Công ty TNHH GrabTaxi) mới đạt vỏn vẹn gần 4,4 tỷ đồng. Cùng năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1,5 tỷ nhưng báo lỗ sau thuế gần 52 tỷ đồng.
Năm 2015, Grab được Bộ Giao thông Vận tải cấp phép thí điểm hoạt động tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Nhờ việc được hợp thức hóa hoạt động kinh doanh, mô hình kinh doanh của hãng này mở rộng trong năm 2015 với doanh thu đạt 32 tỷ đồng.
Doanh số hãng này sau đó tăng liên tục qua từng năm, đạt lần lượt 188 tỷ đồng (năm 2016) và 759 tỷ đồng (năm 2017).
Doanh thu Grab ghi nhận bước tăng đột biến trong năm 2018 khi hãng này thâu tóm thành công ứng dụng kết nối vận tải đối thủ là Uber tại thị trường Đông Nam Á (bao gồm cả Việt Nam). Đây là thỏa thuận mua bán, sáp nhập lớn nhất trong lịch sử tại khu vực Đông Nam Á giữa các startup.
Cùng năm, doanh thu của Grab Việt Nam đạt 2.194 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần năm 2017 và gấp gần 1.500 lần doanh số đạt được năm 2014.
Trong năm tài chính gần nhất (2019), công ty mẹ Grab ghi nhận tổng cộng 3.382 tỷ đồng doanh thu, tăng 54% so với năm liền trước và là mức doanh thu cao nhất kể từ khi hãng kết nối vận tải này hiện diện tại Việt Nam.
Tuy nhiên, trái ngược với đà tăng cấp số nhân của doanh thu, lợi nhuận của Grab lại liên tục sụt giảm và báo lỗ hàng nghìn tỷ mỗi năm. Năm 2015, khi doanh thu công ty tăng hơn 20 lần thì lợi nhuận sau thuế lại giảm gần 9 lần, báo số âm 442 tỷ đồng. Số lỗ này tiếp tục gia tăng trong năm 2016 và 2017 với số âm 445 tỷ và âm 789 tỷ đồng.
Trong năm gần nhất (2019), Grab ghi nhận khoản lỗ lên tới 1.670 tỷ, tăng 89% so với số lỗ năm liền trước và cũng là khoản lỗ năm lớn nhất mà hãng phải chịu từ khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Sau hơn 6 năm hiện diện tại Việt Nam, Grab đã mở rộng mô hình kinh doanh ra ngoài mảng kết nối vận tải. Công ty này hiện nắm 100% vốn tại Công ty TNHH Grab Việt Nam với số vốn đầu tư ban đầu 2 tỷ đồng và 100% vốn tại Công ty TNHH GPay Network Việt Nam với số vốn đầu tư 50 tỷ (nhưng đang phải trích lập dự phòng 45 tỷ).
Ngoài ra, Grab cũng có 49% vốn trong liên doanh Công ty TNHH Tư vấn Quản lý TC-G, hoạt động chính trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tư vấn quản lý. Công ty này hiện cũng có vốn tại Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Moca (GrabPay by Moca) để phát triển mảng ví điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt với các dịch vụ mà hãng cung cấp tại thị trường trong nước.
Cổ đông Việt nắm quyền chi phối tại Grab
Với vốn điều lệ 20 tỷ đồng từ khi thành lập, sau hơn 6 năm, Grab chưa một lần tăng vốn dù hoạt động kinh doanh, quy mô doanh nghiệp liên tục gia tăng theo cấp số nhân. Năm 2016, cơ cấu cổ đông của Grab bao gồm 3 cá nhân người Việt là ông Nguyễn Tuấn Anh nắm 34%, ông Nguyễn Phú Sinh góp 33% và ông Trần Anh Đức sở hữu 33%.
Trong đó, ông Nguyễn Tuấn Anh chính là một trong những nhân sự cấp cao đầu tiên của Grab và là người đặt nền móng cho hoạt động của Grab tại Việt Nam. Ông là nhân tố chính trong việc áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt cho người dùng trên ứng dụng Grab thông qua việc thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược với Moca. Tại Grab, ông Tuấn Anh từng đảm nhiệm các vị trí quan trọng như Giám đốc sáng lập Grab Việt Nam và Tổng giám đốc Grab Financial Group Việt Nam.
Báo cáo tài chính năm 2018 của Grab Việt Nam ghi nhận ông Nguyễn Tuấn Anh là cổ đông cá nhân lớn nhất nắm giữ 51% vốn điều lệ công ty, 49% vốn còn lại do pháp nhân Grab INC – thành lập tại Singapore sở hữu.
Tuy nhiên, đến ngày 1/2, ông Tuấn Anh đã chính thức rời Grab và 51% vốn sở hữu tại Grab được chuyển qua cho bà Lý Thụy Bích Huyền. Trong đó, bà Huyền cũng là một trong những nhân sự cấp cao của Grab.
Trong hoạt động được coi là cuộc đua “đốt tiền” của Grab, doanh nghiệp này cũng phát sinh hàng nghìn tỷ đồng tiền vay nợ để duy trì kinh doanh. Tuy nhiên, toàn bộ khoản vay của Grab đều không do ngân hàng cấp tín dụng mà chủ yếu là vay từ các công ty liên quan, cổ đông góp vốn với lãi suất 0%.
Như năm 2018, Grab có tổng cộng 1.325 tỷ đồng vay ngắn hạn và 1.381 tỷ đồng vay dài hạn, toàn bộ các khoản vay này đều do nhóm doanh nghiệp có liên quan cấp tín dụng. Trong đó, Grab vay ngắn hạn 860 tỷ đồng từ GrabTaxi Holdings Pte Ltd và 465 tỷ đồng từ Grab Inc với lãi suất 0%.
Cùng thời điểm, Grab có 2 khoản vay dài hạn tại 2 chủ nợ trên với 512 tỷ đồng lãi suất 0% tại GrabTaxi Holdings Pte Ltd và 869 tỷ đồng tại Grab Inc, áp lãi suất 3%/năm. Các khoản vay này đều được đảm bảo bằng chính 51% vốn góp của cổ đông cá nhân trong nước nắm giữ tại công ty mẹ Grab, nhà đầu tư, tài sản của công ty hiện tại và tương lai.
Việc liên tục báo lỗ trong khi phải duy trì các khoản nợ vay hàng nghìn tỷ đồng từ công ty mẹ và nhà đầu tư khiến Grab bị đưa ý kiến về khả năng hoạt động liên tục.
Cụ thể, báo cáo tài chính nhiều năm liền của Grab đều đưa ra giả định về khả năng hoạt động liên tục của công ty. Trong đó, báo cáo tài chính riêng nhiều năm của Grab ghi nhận lỗ thuần sau thuế cùng khoản nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn hàng nghìn tỷ. Công ty cũng có các khoản vay đáng kể cần tái tài trợ.
Thùy Linh