Tỉ lệ doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ Covid-19 tăng mạnh

Kết quả điều tra đợt 2 về tác động của đại dịch COVID-19 lên doanh nghiệp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) cho thấy tỉ lệ các doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ tăng mạnh (10%) kể từ tháng 6.

Chiều 9/12, WB đã công bố Kết quả Điều tra đợt 2 về tác động của đại dịch COVID-19 lên doanh nghiệp được thực hiện trong giai đoạn cuối tháng 9 – giữa tháng 10 nhằm đánh giá hiện trạng hồi phục kinh tế tại Việt Nam.
Số doanh nghiệp nhận được hỗ trợ tăng mạnh

Kết quả điều tra cho thấy tỉ lệ các doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ tăng mạnh (10%) kể từ tháng 6.

Hình thức hỗ trợ chủ yếu mà các doanh nghiệp nhận được là giãn thời hạn nộp thuế và các khoản khác (17% số doanh nghiệp).

Các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp ngành công nghiệp chế tạo dễ tiếp cận hơn với các gói hỗ trợ từ Chính phủ. Trong đó, các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp có tỉ lệ tiếp cận cao hơn hẳn.

Hai cản trở chính trong tiếp cận hỗ trợ của nhà nước là mức độ nhận biết về chương trình hỗ trợ này còn thấp và các thủ tục rườm rà kèm theo. Tuy nhiên trong giai đoạn kể từ sau tháng 6, mức độ nhận biết của các doanh nghiệp đã có sự cải thiện.

Doanh số của các công ty giảm 36% so với cùng kỳ 2019

WB cho biết có thêm 13% số doanh nghiệp hoạt động đầy đủ trở lại trong giai đoạn tháng 9-10, nâng tổng số này lên 94%. Các nhóm doanh nghiệp với quy mô khác nhau đều hoạt động trở lại với tốc độ như nhau. Tuy nhiên, nhóm dịch vụ có tốc độ mở cửa trở lại cao hơn một chút so với các nhóm khác, nhưng đây cũng là nhóm có tỉ lệ đóng cửa một phần hoặc toàn bộ cao nhất hồi tháng 6.

Tuy hầu hết các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động dưới công suất (dưới mức trước đại dịch). Khoảng ¼ số doanh nghiệp vẫn phải cắt giảm giờ làm việc. Tính trung bình trong tất cả các ngành, quy mô doanh nghiệp và vùng địa lý, số giờ hoạt động của các doanh nghiệp thấp hơn 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khoảng 2/3 số doanh nghiệp bị giảm doanh số bán hàng trong giai đoạn tháng 9-10; tuy nhiên tình hình cũng đã cải thiện hơn hồi tháng 6. Tuy doanh số liên tục cải thiện nhưng vẫn thấp hơn 36% so với cùng kỳ.

Các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp ngành công nghiệp chế tạo, nông nghiệp vẫn không cải thiện so với tháng 6.

Vẫn khó khăn trong tiếp cận vốn

Kết quả điều tra của WB cho thấy trên 60% doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn tài chính.

Các vấn đề chính bao gồm lãi suất quá cao, rủi ro trả nợ và thiếu tài sản thế chấp.

Thiếu tài sản thế chấp là trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong khi đó, lãi suất và rủi ro trả nợ là vấn đề chung mà tất cả các doanh nghiệp đều gặp phải. Các doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu thường hay gặp khó khăn hơn khi muốn tiếp cận tín dụng.

Hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng doanh số và việc làm sẽ giảm trong 6 tháng tới. Tính trung bình các doanh nghiệp dự kiến doanh số sẽ giảm 11-51% và việc làm sẽ giảm 7-61% trong vòng 6 tháng tới. Các doanh nghiệp cỡ vừa đưa ra dự đoán tiêu cực hơn các doanh nghiệp khác cả về doanh số (5%) và việc làm (11%).

Duy Anh