Còn nhiều khoảng cách từ chính sách đến thực thi trong hỗ trợ doanh nghiệp
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 được ban hành khá kịp thời, song việc thực thi còn rất nhiều hạn chế, khiến số lượng doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách còn khiêm tốn, hiệu quả của các chính sách hỗ trợ chưa được như kỳ vọng của doanh nghiệp.
Đây là nội dung được trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn “Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19: Thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực thi”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tổ chức, ngày 8/12.
Bộ Tài chính nỗ lực cắt giảm phí, lệ phí cho DN và người dân
Đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã ảnh hưởng sâu rộng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN, nhằm giúp DN vượt qua khó khăn do đại dịch.
Cụ thể, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, đã có khoảng 95 văn bản, trong đó có 46 văn bản cấp trung ương, 49 văn bản cấp địa phương quy định về các chính sách hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực như giá dịch vụ, tiền thuê đất, thuế – phí – lệ phí, vốn – tín dụng, lao động – bảo hiểm xã hội…
Trong đó có nhiều chính sách có đối tượng thụ hưởng rất lớn, như chính sách giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối người thuê đất, chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất. Hay các chính sách về miễn, giảm nhiều khoản phí, lệ phí trong rất nhiều lĩnh vực như kinh doanh hàng hóa dịch vụ, hàng không, du lịch, xây dựng, ngân hàng, chứng khoán, y tế…
“Mức giảm các khoản phí, lệ phí là tương đối lớn, tối thiểu 50% so với quy định cũ. Tổng số phí, lệ phí cắt giảm mà DN và người dân được hưởng lợi là khoảng 500 tỷ đồng. Đây là một nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính trong điều kiện ngân sách nhà nước bị hụt thu tương đối lớn do dịch bệnh” – ông Tuấn nhấn mạnh.
Nhìn lại, đánh giá về các chính sách hỗ trợ DN thời gian qua, đại diện VCCI cho rằng, chính sách đã được ban hành kịp thời, nhiều chính sách đã có những tác dụng nhất định, giúp DN có thêm nguồn lực về tài chính để vượt qua khó khăn, ví dụ như các chính sách tài khóa về giãn, hoãn nộp thuế; miễn giảm nhiều khoản phí, lệ phí, thuế; giảm tiền thuê đất … có tác động lớn, rất có ý nghĩa với DN.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, theo ông Tuấn, hiệu quả của việc thực thi một số chính sách chưa thực sự đạt được như kỳ vọng của cộng đồng DN. Phân tích cụ thể, ông Tuấn đưa ví dụ, tính đến đầu tháng 10/2020, gói hỗ trợ an sinh xã hội mới giải ngân được 11.000 tỷ đồng, tương ứng 17,7% – một tỷ lệ rất thấp. Hay như đối với gói vay 16.000 tỷ đồng lãi suất 0% cho DN vay trả lương người lao động (NLĐ), tính đến đầu tháng 10, mới chỉ có 1 DN vay được gói này…
Lý giải về nguyên nhân của thực tế trên, theo ông Tuấn, một mặt là do DN chưa biết đến thông tin về chính sách hỗ trợ. Mặt khác, do chính sách ban hành với nhiều yêu cầu, thủ tục để tiếp cận gói hỗ trợ, trong đó, nhiều điều kiện, yêu cầu máy móc, bất hợp lý cản trở việc tiếp cận của DN…
Ví dụ, một trong những điều kiện DN được vay ưu đãi để trả lương, đóng bảo hiểm cho NLĐ là phải chứng minh đã cho ít nhất 50% nhân viên nghỉ việc. Tuy nhiên, hầu hết DN chỉ cho NLĐ tạm nghỉ việc không hưởng lương, chứ không cắt hợp đồng và bảo hiểm để giữ nguồn lực cũng như quyền lợi cho NLĐ.
Hay như Quyết định 15/2020/QĐ-TTg về điều kiện hỗ trợ đối với NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương phải có đủ rất nhiều điều kiện, trong đó, có điều kiện phải “làm việc tại các DN không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương”. “Việc chỉ hỗ trợ đối với những DN không còn khả năng sản xuất và tạo ra doanh thu liệu có hợp lý? Đối với những DN đang nỗ lực duy trì hoạt động thì có nên được tiếp cận không?” – ông Tuấn đặt câu hỏi.
Chính vì thực tế việc thiết kế chính sách còn bất cập với nhiều quy định ngặt nghèo, bất hợp lý, cùng với thực thi chính sách còn nhiều hạn chế nhất định, nên theo đại diện nhiều hiệp hội, DN có mặt tại hội thảo, thực tế trong giai đoạn chống chọi với dịch Covid-19, nhiều DN không trông chờ nhiều vào sự “giải cứu” từ phía Chính phủ, mà tự tìm giải pháp “cứu” mình là chính.
Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến ngành du lịch. Biểu hiện, năm 2019, ngành du lịch đón 18 triệu khách quốc tế, 85 triệu khách nội địa doanh thu của ngành đạt khoảng 33 tỷ USD. Tuy nhiên năm 2020, ước tính khách quốc tế chỉ đạt khoảng 3 triệu lượt (giảm 80%), khách nội địa đạt khoảng 50 triệu (giảm 50%), doanh thu của ngành ước tính sụt giảm khoảng 23 tỷ USD. Về lao động, khoảng 90% lao động nghỉ việc hoặc tạm nghỉ việc, cùng với đó, khoảng 60% DN trong ngành hiện ngừng hoạt động….
Thiệt hại có thể nhìn thấy rất rõ, song theo ông Bình, các DN ngành du lịch tiếp cận được chính sách hỗ trợ rất hạn chế. Đơn cử, ngành du lịch có tới 40.000 DN nhưng chỉ 1 DN tiếp cận được gói vay trả lương NLĐ. Hay việc vay vốn ngân hàng cũng rất khó khăn, đa số các ngân hàng vẫn đòi hỏi DN phải có tài sản thế chấp, song đối với các DN như DN lữ hành thì phần lớn không có tài sản thế chấp nên cũng không thể tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng của ngành Ngân hàng…
Đồng quan điểm trên, từ ngành hàng dệt may, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ thêm, nhiều chính sách hỗ trợ không chỉ đề ra những tiêu chuẩn quá khắt khe, mà các thủ tục đi kèm cũng rất phức tạp, phiền hà khiến DN không “mặn mà” với các gói hỗ trợ.
“DN sợ nhất là các thủ tục yêu cầu chứng minh về tài chính, doanh thu, trong khi đó nhiều chính sách hỗ trợ bắt buộc DN phải thực hiện những thủ tục này để được xác nhận thuộc đối tượng hỗ trợ, điều đó khiến DN chấp nhận thà không được hưởng hỗ trợ còn hơn là phải chạy vạy khắp nơi xin xác nhận” – ông Cẩm nhấn mạnh.
Đặc biệt, một khía cạnh nữa cũng khiến các DN quan ngại, theo ông Cẩm, đó là việc chậm trễ trong sửa đổi những vướng mắc, bất cập của các chính sách đã ban hành. “Sau nhiều kiến nghị của DN về sự bất cập trong một số quy định của gói 16.000 tỷ đồng, cơ quan chức năng đã nhận thấy và tiếp thu, song phải mất đến 6 tháng sau mới có văn bản chỉnh sửa. Việc chậm trễ sửa đổi bất cập trong chính sách như vậy, vô hình chung đã làm lỡ mất thời cơ “cứu” DN, bởi lúc khó khăn nhất, lúc DN có nguy cơ đứng bên bờ vực phá sản thì DN lại không được hỗ trợ” – ông Cẩm nói.
Trước những bất cập trong việc thực thi chính sách hỗ trợ thời gian qua, từ góc độ đại diện cho cộng đồng DN, nhóm nghiên cứu VCCI đề xuất, trước hết, cần rà soát, nắm bắt kịp thời các bất cập, vướng mắc trong việc triển khai các gói hỗ trợ thời gian qua để điều chỉnh cho phù hợp.
Bên cạnh đó, cần nới lỏng một số điều kiện nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng và giảm thiểu về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính.
Đồng thời, các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, minh bạch, tránh hiện tượng trục lợi chính sách hỗ trợ…Ngoài ra, nên kéo dài thời gian các gói hỗ trợ để DN có đủ thời gian hoàn các khoản được hoãn, giãn trong thời gian qua để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Thùy Linh