Đừng để thủy sản gặp khó trên “Sân nhà”
Thời gian qua, việc tiếp cận thị trường nội địa thông qua hệ thống siêu thị của nhiều Doanh nghiệp thủy sản lại không mấy dễ dàng như phải trả chi phí cao cho quầy kệ, tăng chiết khấu, tham gia sâu vào các chương trình khuyến mãi.
Cụ thể, Việt Nam mới chỉ ban hành mức giới hạn dư lượng tối đa cho phép (MRL) cho các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh hạn chế sử dụng nhưng chưa ban hành quy định về mức MRPL đối với các chỉ tiêu cấm sử dụng. Điều này dẫn đến việc siêu thị không chấp nhận các lô hàng thực phẩm có dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm mặc dù dư lượng này rất thấp và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.Việc các quy định về tiêu chuẩn chất lượng được đưa ra một cách khắt khe, thậm chí cao hơn quy định nhập khẩu của những thị trường lớn như EU. Theo kiến nghị vừa được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) gửi tới Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính Mai Tiến Dũng cho rằng: Đang có những bất cập trong quy định về các mức giới hạn hiệu năng phân tích tối thiểu (MRPL) của các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng trong sản phẩm thực phẩm.
Dẫn Quyết định số 2005/34/EC ngày 11/1/2005 của Ủy ban châu Âu (EC) rằng: “Khi kết quả phân tích của lô hàng thấp hơn mức MRPL thì vẫn được phép nhập khẩu vào EU để làm thực phẩm”. VASEP bày tỏ quan điểm, các quy định tiêu chuẩn không rõ ràng đã khiến một số lô hàng của Doanh nghiệp Thủy sản tuy đạt chuẩn theo quy định của EU nhưng không đạt theo quy định của Việt Nam, gây khó khăn cho Doanh nghiệp trong đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.
Điều đáng nói là bất cập nêu trên đã được VASEP phản ánh và kiến nghị hơn 1 năm qua bằng nhiều văn bản gửi tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Bộ Y tế nhưng đến thời điểm này tiêu chuẩn “vượt” châu Âu của Việt Nam vẫn chưa được tháo gỡ.
Là ngành hàng có vị trí quan trọng trong hoạt động xuất khẩu với kim ngạch hàng năm ở mức trên 8 tỷ USD, có mặt ở hàng trăm thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, khi quay về thị trường nội địa, thủy sản Việt Nam lại gặp không ít trở ngại bởi những tiêu chuẩn gây khó. Tháo bỏ nút thắt cũng là việc cần được làm ngay để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp theo đúng tinh thần mục tiêu Chính phủ kiến tạo mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề ra.
Sự tăng trưởng của ngành thuỷ sản sẽ kéo theo nhu cầu lớn trong ngành thức ăn chăn nuôi. Trong nuôi trồng thuỷ sản, thức ăn chiếm tới 40-70% chi phí sản xuất.
Năm 2017, cả nước có 218 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp với tổng công suất thiết kế trên 31 triệu tấn, trong đó công suất thức ăn phục vụ nuôi trồng thuỷ sản là 5,8 triệu tấn. Nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện đạt 18,1 triệu tấn, tương đương 5,5 tỉ đô la Mỹ; bao gồm thức ăn giàu đạm khoảng 7,2 triệu tấn, thức ăn giàu năng lượng khoảng 10,4 triệu tấn, thức ăn bổ sung khoảng 500.000 tấn.
Không chỉ là vấn đề đầu ra mà phải làm cho người nông dân giảm bớt chi phí và gánh nặng đầu vào trong việc nuôi trồng thủy sản. Chỉ có như vậy mới có thể giúp cho người nông dân can đảm bước tiếp với niềm đam mê nhưng không quá lo lắng về vấn đề chi phí, tiêu chuẩn đầu vào quá cao mà đầu ra thì ngược lại.
Minh Đường