Bị siết chặt ở quê nhà, ứng dụng cho vay ngang hàng của Trung Quốc tìm cách vào Việt Nam
Đó là cảnh báo vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra trong “Dự thảo báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ tới kinh tế” trình Chính phủ mới đây
Cụ thể Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết bối cảnh một số nước trong khu vực (Trung Quốc, Singapore, Indonesia…) tập trung siết chặt hoạt động P2P lending (cho vay ngang hàng), các ứng dụng này đành phải tìm cách chuyển hướng hoạt động sang thị trường Việt Nam, trong đó có các P2P lending của Trung Quốc.
P2P lending là mô hình cho vay sử dụng các dịch vụ online để kết nối nhà đầu tư với cá nhân hay doanh nghiệp muốn vay vốn mà không cần thông qua ngân hàng. Mô hình này xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2016 và nhanh chóng có bước phát triển mạnh mẽ, thể hiện qua số lượng các công ty P2P lending ngày càng tăng, kéo theo đó là sự gia tăng lượng khách hàng, hợp đồng vay vốn, số phí dịch vụ thu được…. Họ được ví như các fintech trong lĩnh vực này, vừa là đối thủ nhưng cũng lài là “cánh tay nối dài” cho các ngân hàng.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, số lượng công ty P2P lending hiện nay vào khoảng 100 công ty (bao gồm cả công ty đã đi vào hoạt động chính thức và một số công ty đang trong giai đoạn thử nghiệm) như Tima, Trust Circle, Vay mượn, Lendmo, Wecash, InterLoan… ; trong đó một số công ty P2P lending có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Singapore, Indonesia… “Trước tình hình trên, nếu không khẩn trương ban hành và triển khai chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp nội địa sẽ dẫn đến hiện tượng bị nước ngoài chi phối hoàn toàn thị phần trong nước” – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảnh báo
Do khuôn khổ pháp lý hiện hành ở Việt Nam chưa có quy định cụ thể đối với hoạt động P2P lending nên các công ty hoạt động trong lĩnh vực này đều đăng ký ngành nghề kinh doanh là dịch vụ cầm đồ (ngành nghề kinh doanh có điều kiện), tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư, môi giới tài chính… Qua đó có thể thấy các công ty P2P Lending ở Việt Nam hầu như không hoạt động theo mô hình P2P lending truyền thống mà có sự đổi mới. Các sản phẩm cho vay vốn qua P2P lending chủ yếu dưới hình thức vay vốn không có tài sản đảm bảo, thời hạn vay ngắn, khách hàng phải trả phí và lãi suất với các khoản vay.
Mặc dù thời gian qua hoạt động của mô hình P2P lending mang lại những lợi ích thiết thực (đáp ứng một cách linh hoạt nhu cầu của người vay; đa dạng hóa kênh đầu tư với nguồn thu hấp dẫn; đẩy lùi tín dụng đen….) song nếu không được quản lý, giám sát chặt chẽ dễ phát sinh các loại hình biến tướng, gây ảnh hưởng xấu tới xã hội; đặc biệt là gia tăng rủi ro nợ xấu, gia tăng rủi ro về các sự cố liên quan đến công nghệ thông tin…
Hiện nay, có hiện tượng một số công ty P2P lending là kênh phân phối, tìm kiếm khách hàng cho công ty cầm đồ hoặc công ty cầm đồ hợp tác với công ty công nghệ xây dựng nền tảng giao dịch trực tuyến để công ty cầm đồ tìm kiếm người đi vay và thực hiện cho vay. Hậu quả là một số đối tượng có thể lợi dụng mô hình này để làm chuyện phi pháp: rửa tiền, tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng…gây thiệt hại cho người dân. Ngoài ra, P2P lending còn mang đến rủi ro “kép” về thuế và quản lý ngoại hối khi người tham gia giao dịch là người không cư trú sẽ dẫn tới khó khăn trong quản lý ngoại hối và thu thuế.
Minh Hoàng