Nguy cơ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp nhìn từ Trung Quốc

Thời gian vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhà nước đã rơi vào tình trạng vỡ nợ trái phiếu. Trong đó, Peking University Founder Group đang có tổng số nợ lớn nhất lên tới 42,8 tỷ NDT (6,57 tỷ USD) và đã nộp đơn xin tái cấu trúc nợ.

Cơ cấu nhóm ngành phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2020.

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã vỡ nợ trái phiếu. Đây là bài học có thể tham khảo khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam.

Hay như nhà sản xuất ô tô Brilliance Auto, còn được gọi là Huachen Automotive Group, đã làm chao đảo thị trường tài chính Trung Quốc khi không trả được 1 tỷ NDT (148,8 triệu USD) cho các trái chủ khi trái phiếu đáo hạn. Ngoài ra, còn rất nhiều doanh nghiệp khác cũng tuyên bố vỡ nợ, như tập đoàn than Yongcheng Coal and Electricity Holding Group, Tập đoàn công nghiệp Tsinghua Unigroup…Việc vỡ nợ của công ty nói trên dường như chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bởi vì, còn rất nhiều doanh nghiệp khác của Trung Quốc cũng rơi vào tình trạng tương tự.

“Nền kinh tế Trung Quốc phần nào đã vững vàng hơn so với thời điểm đầu năm nay. Tuy nhiên, khối doanh nghiệp vẫn rất yếu, chưa có khả năng thanh toán các khoản nợ khổng lồ”, ông Brock Sivers, Giám đốc đầu tư tại Adamas Asset Management nói và nhận định số lượng các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đạt kỷ lục mới trong năm 2020.

Đáng quan ngại hơn, ông Owen Gallimore, người đứng đầu bộ phận tín dụng tại ANZ Banking Group Ltd tại Singapore đánh giá, các vụ vỡ nợ TPDN ở Trung Quốc liên quan đến khoản nợ ở nước ngoài sẽ còn bùng phát mạnh mẽ hơn nữa. Bởi vì, các khoản nợ bằng USD đến hạn chưa được thanh toán đã vượt 55% tổng số nợ cả năm 2019.

Điều đáng nói là, chính phủ Trung Quốc dường như đang buông xuôi, không ra tay giải cứu những doanh nghiệp nhà nước đang đứng bên bờ vực vỡ nợ. Theo các chuyên gia, nước này có thể đang muốn làm lành mạnh hóa thị trường tài chính khi muốn loại bỏ bớt những doanh nghiệp nhà nước yếu kém.

Làn sóng vỡ nợ cũng buộc các cơ quan chức năng Trung Quốc phải thắt chặt kiểm soát đối với những đợt phát hành trái phiếu mới. Hiệp hội Nhà đầu tư tổ chức Thị trường tài chính Quốc gia đang điều tra các tổ chức tài chính, cơ quan tín dụng và kế toán có liên quan đến trái phiếu của những doanh nghiệp vỡ nợ.

Rủi ro nào đối với Việt Nam?

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn tín dụng, thì nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đẩy mạnh phát hành trái phiếu để huy động vốn. 

Tính đến hết tháng 10/2020, theo báo cáo của VNDirect, tổng giá trị TPDN phát hành thành công đạt 350.883 tỷ đồng, tăng 68,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 326.024 tỷ đồng.

VNDirect nhận định, sau giai đoạn bùng nổ trong 8 tháng đầu năm, thị trường TPDN đã có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi Nghị định số 81/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 01/09/2020 đã thắt chặt các điều kiện phát hành.

VDNIRECT cho rằng thị trường TPDN sẽ tiếp tục trầm lắng trong những tháng cuối năm trước khi có xu hướng phục hồi rõ nét hơn trong năm 2021 do các doanh nghiệp cần có thời gian để làm quen và chuẩn bị nhằm đáp ứng được các điều kiện mới về phát hành TPDN.

Điều đáng nói là nhiều doanh nghiệp đã huy động TPDN với lãi suất rất cao, thậm chí lên tới 20%/năm, mà không có tài sản đảm bảo, không định mức tín nhiệm, không có đơn vị bảo lãnh phát hành, trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Nếu đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, thì việc trả lãi, đặc biệt là trả nợ gốc cho trái chủ khi trái phiếu đáo hạn cũng là một vấn đề lớn đối với nhiều doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, tình trạng vợ nợ trái phiếu ở Trung Quốc là bài học đắt giá mà Việt Nam cần lưu ý. Tình trạng vỡ nợ TPDN ở Việt Nam cũng đang tiềm ẩn nguy cơ xảy ra khi mà các nhà phát hành trái phiếu, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, không có dòng tiền vào để có thể trả nợ. 

Để phòng ngừa rủi ro vỡ nợ trái phiếu, TS. Nguyễn Trí Hiếu kiến nghị các cơ quan chức năng nên vào cuộc tức thì, như Bộ Tài chính nên thanh tra tất cả các doanh nghiệp phát hành trái phiếu và nếu thấy doanh nghiệp nào đang đứng trên bờ vực phá sản, thì cần có biện pháp phản ứng kịp thời.

“Trách nhiệm trả nợ là của các doanh nghiệp phát hành, Chính phủ không có trách nhiệm trả nợ thay, nhưng cũng có thể có những biện pháp ngăn ngừa việc vỡ nợ trái phiếu hàng loạt, gây tác động dây chuyền đến các ngân hàng và các trái chủ”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Đông Phương