RCEP mang lại lợi ích như thế nào cho người dân và doanh nghiệp Singapore

Giả sử bạn là một công ty sản xuất cà ri cừu ở Singapore.

Với hiệp ước Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mới được ký kết, bạn có thể mua các nguyên liệu như thịt cừu và cà ri từ 14 quốc gia khác mà vẫn có thể sản xuất ra đồ hộp được ghi là “sản xuất tại Singapore”.

Điều này sẽ tiết kiệm chi phí hơn vì hai lý do.

Thứ nhất, nguyên liệu mua từ các nước RCEP khác được coi là có xuất xứ tại Singapore khi xác định rõ nguồn gốc để được hưởng ưu đãi thuế quan.

Thứ hai, hàng hóa dễ hư hỏng có thể được thông quan nhanh chóng bởi Hải quan trong vòng sáu giờ sau khi đến.

Người Singapore cũng sẽ có thể thưởng thức cà ri cừu rẻ hơn khi họ tiết kiệm được chi phí.

Dòng lợi ích này là một ví dụ về cách RCEP – hiệp ước thương mại lớn nhất thế giới được ký kết vào ngày 15 tháng 11 – sẽ tác động đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng ở Singapore ra sao.

Với sự tham gia của 10 thành viên ASEAN, cộng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, RCEP bao gồm gần một phần ba dân số thế giới và đóng góp vào khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới.

Một trong những thành tựu quan trọng của nó là loại bỏ thuế quan đối với khoảng 92% hàng hóa giao dịch giữa các thành viên.

Quy tắc chung duy nhất

Sulaimah Mahmood, trưởng đoàn đàm phán RCEP tại Bộ Thương mại và Công nghiệp cho biết lợi ích lớn nhất đối với Singapore là sự hiện diện của một quy tắc duy nhất cho mỗi sản phẩm áp dụng cho tất cả 15 bên tham gia RCEP.

Trước đây, các quốc gia khác nhau có những quy định khác nhau. Bà nói: “Nếu bạn xuất khẩu sang Hàn Quốc, bạn sẽ đối mặt với một quy tắc; nếu bạn xuất khẩu sang Nhật Bản, sẽ có một quy tắc khác.”

Mỗi hiệp định thương mại của ASEAN đều có các quy tắc xuất xứ khác nhau.

Ví dụ, nếu một công ty ở Việt Nam sản xuất xe đạp, công ty đó có thể đủ điều kiện theo thỏa thuận thương mại với Nhật Bản, nhưng có thể cần các thành phần hoặc quy trình sản xuất khác để đủ điều kiện theo một thỏa thuận với Hàn Quốc.

Bên cạnh một quy tắc duy nhất, RCEP còn có các quy tắc xuất xứ (ROO), quy định tỷ lệ thành phần xuất xứ khu vực mà một sản phẩm phải có trước khi được hưởng mức thuế thấp hơn.

Trước khi RCEP được ký kết, nhiều doanh nghiệp ở Singapore chỉ có thể khai thác các hiệp định thương mại tự do ASEAN+1, hoặc các hiệp định thương mại giữa khối 10 thành viên và các đối tác đối thoại riêng lẻ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Giờ đây, RCEP đã mở rộng cánh cửa. Bà Sulaimah cho biết các doanh nghiệp có thể tìm nguồn cung cấp đầu vào từ bất kỳ thành viên nào trong số 14 thành viên RCEP khác.

Các ngành được hưởng lợi nhiều nhất

Frank Debets, đối tác quản lý Asian Worldtrade Management Services của PwC  cho rằng mặc dù RCEP cho phép các công ty tìm nguồn cung ứng rộng rãi hơn, nhưng thuế suất ưu đãi có thể không tốt hơn so với các mức thuế đã được áp dụng theo các FTA khác, như các FTA ASEAN+1. Ông nói: “Chỉ khi các công ty yêu cầu tập hợp các nguyên liệu có xuất xứ trong khu vực hoặc nếu họ giao dịch lớn giữa Nhật Bản với Trung Quốc hoặc Hàn Quốc, thì RCEP mới có thể mang lại lợi ích đáng kể hơn cho họ.”

Học giả cấp cao tại Trường Kinh doanh Đại học Quốc gia Singapore, ông Alex Capri, cho biết các thành viên đã đưa ra những cam kết ấn tượng về thương mại điện tử, dịch vụ kỹ thuật số, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp và các lĩnh vực quan trọng khác đối với thương mại kỹ thuật số.

Đây là những lĩnh vực phù hợp với mục tiêu của Singapore là trở thành trung tâm toàn cầu cho nền kinh tế tri thức và kỹ thuật số.

Ông nói: “RCEP dường như sẽ có lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), vì nền kinh tế kỹ thuật số vẫn tạo ra cho các SME những rào cản đáng kể đối với thương mại xuyên biên giới. Vì vậy, những điều khoản này, nếu thực sự được thực hiện, sẽ rất tốt cho fintech, công nghệ sạch, hậu cần và các lĩnh vực khác của Singapore”.

Nâng cao nhận thức giữa các doanh nghiệp

Tuy nhiên, ông Debets của PwC cảnh báo rằng RCEP có thể không được các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu vì nó vẫn còn phải được phê chuẩn và có thể mất hơn một năm trước khi hiệp ước có hiệu lực.

Ông nói: “Đánh giá bằng kinh nghiệm, điều đó có thể có nghĩa là các công ty không thấy sự cấp thiết và quên đi thỏa thuận, ngay cả khi nó cuối cùng có hiệu lực”.

Hiệp định sẽ có hiệu lực sau khi sáu quốc gia ASEAN và ba quốc gia ngoài ASEAN phê chuẩn.

Giám đốc điều hành Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore Ho Meng Kit cho biết các doanh nghiệp có thể bắt đầu bằng cách xem xét các nguồn cung cấp hiện có của họ và xem xét các thị trường mới để có thể tận dụng tối đa RCEP khi nó có hiệu lực.

Ông nói thêm rằng liên đoàn đang lên kế hoạch cho một loạt các hoạt động tiếp cận cộng đồng, bắt đầu từ tháng 12, dựa trên những lợi ích của thỏa thuận.

Linh Lam